Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã rút khỏi thành phố Jenin ở Bờ Tây sau chiến dịch kéo dài 10 ngày. Đây là cuộc đột kích lâu nhất từng được quân đội Israel triển khai tại khu vực này.
Theo hãng thông tấn Wafa, IDF rút các lực lượng khỏi thành phố Jenin sáng 6-9, kết thúc chiến dịch khiến 21 người Palestine thiệt mạng.
Trước đó, IDF phát động tấn công quy mô lớn nhằm vào thành phố ở Bờ Tây từ ngày 28-8. Với tên gọi “Trại hè”, chiến dịch này bắt đầu bằng những cuộc đột kích đồng thời nhằm vào các trại tị nạn Jenin, Tulkarem và Far'a, với mục tiêu triệt phá mạng lưới của lực lượng Hamas và nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad tại khu vực phía Bắc của Bờ Tây. IDF xác nhận đã tiêu diệt hơn 30 tay súng trong chiến dịch, trong đó có các thủ lĩnh Hamas và Jihad ở Jenin và Tulkarem.
Times of Israel thông tin, tình trạng bạo lực ở Bờ Tây đã gia tăng sau khi lực lượng Hamas thực hiện cuộc tấn công với quy mô chưa từng có nhằm vào lãnh thổ Israel hồi tháng 10-2023. Kể từ thời điểm đó, quân đội Israel đã bắt giữ khoảng 5.000 người Palestine trên khắp Bờ Tây, bao gồm hơn 2.000 trường hợp có liên hệ với Hamas.
Liên quan vấn đề đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, vẫn còn một số vấn đề quan trọng chưa thể giải quyết dù 90% thỏa thuận đã được thống nhất, đồng thời đề nghị, Israel và Hamas đồng thuận về những vướng mắc để có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết thêm, Mỹ cùng các quốc gia trung gian hòa giải là Qatar và Ai Cập thời gian tới sẽ chia sẻ quan điểm với Israel và Hamas về biện pháp giải quyết chính xác những trở ngại tồn đọng, bao gồm vấn đề liên quan đến Hành lang Philadelphi ở rìa phía Nam Gaza giáp với Ai Cập và thỏa thuận trao đổi con tin.
Quan chức ngoại giao kỳ cựu cũng thừa nhận, mỗi ngày trôi qua mà không có thỏa thuận nào giữa Israel và Hamas sẽ có nguy cơ khiến mọi nỗ lực chệch hướng.
Hồi cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra đề xuất ngừng bắn gồm 3 giai đoạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng trong thỏa thuận cuối cùng về lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin ở Gaza, bất chấp nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng.
Cụ thể, Hamas kiên quyết phản đối mọi sự hiện diện của các lực lượng Israel tại Hành lang Philadelphi, trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần khẳng định quyết tâm sẽ không rút quân khỏi khu vực này.
Ở diễn biến liên quan, Thổ Nhĩ Kỳ, 5 quốc gia Arab, trong đó có cường quốc khu vực là Arab Saudi, cùng Chính quyền Palestine (PA) và Ai Cập đã lên tiếng bác bỏ yêu cầu của Israel về việc tiếp tục triển khai quân đội tại Hành lang Philadelphi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.