(HNM) - Khu vực đông dân thứ hai của Tây Ban Nha, Catalonia đã chính thức đề xuất được nhận một gói cứu trợ 5 tỷ euro (6,3 tỷ USD) từ chính phủ trung ương. Như vậy là, sau Valencia và Murnica đã có thêm một vùng đất nữa trên xứ Bò tót đứng trước nguy cơ đổ vỡ tài chính nếu không được trợ giúp.
Sự đổ vỡ của nền kinh tế Tây Ban Nha xuất phát từ cuộc khủng hoảng của hệ thống ngân hàng nước này. |
Như vậy, bất chấp những nỗ lực giảm tốc nhưng cơn lốc nợ nần vẫn không dừng lại và hứa hẹn tiếp tục quét qua nhiều khu vực của Tây Ban Nha. Với tổng số nợ lên đến 40 tỷ euro, Catalonia đã vượt qua hai "bạn đồng hành" Valencia và Murnica để trở thành khu vực sở hữu mức nợ cao nhất trong 17 chính quyền khu vực ở Tây Ban Nha. Các khoản cắt giảm lương bổng, ngừng trợ cấp y tế, an sinh xã hội, đóng băng các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng… như đã thực hiện chỉ là muối bỏ bể so với nhiệm vụ tất toán 13,5 tỷ euro trong năm nay. Trong đó có đến 5,8 tỷ euro là khoản đáo hạn trong 6 tháng cuối năm của khu vực Đông bắc Tây Ban Nha này. Giữa lúc Madrid đang chật vật xoay xở với núi nợ quốc gia, lời kêu cứu của Catalonia là một cú sốc mới với chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy. Quan trọng hơn, sự kiện này phản ánh thực trạng căn bệnh chi tiêu quá mức đang gặm nhấm từng phần cơ thể của Bò tót - Tây Ban Nha.
Trên thực tế, tình cảnh khó khăn của hầu hết các địa phương Tây Ban Nha không khác gì chính quyền trung ương. Suy thoái kinh tế khiến nguồn thu từ thuế sụt giảm mạnh đã khiến các chính quyền khu vực không còn khả năng tạo ra ngân sách để trang trải các khoản nợ. Việc phát hành trái phiếu để thu hút nguồn vốn của các nhà đầu tư cũng không thể thực hiện khi lòng tin với Madrid đã xuống rất thấp. Do vậy, lời khẩn cầu từ Catalonia là một hồi chuông báo động nữa cho thấy tình hình tài chính của Tây Ban Nha sẽ căng thẳng hơn nếu không có ngay một giải pháp hiệu quả.
Cái khó của Tây Ban Nha hiện nay là một mặt không thể bỏ mặc chính quyền địa phương tự sụp đổ vì vỡ nợ nhưng mặt khác Madrid cũng chưa biết đào đâu ra tiền để tiếp sức cho những bệnh nhân của mình. Kể từ sau đề nghị cách đây ít ngày về khoản cứu trợ 100 tỷ euro - nhằm cứu ngành ngân hàng đang rỗng vì công nợ cũng như các ngân khoản không ngừng bỏ chạy - Madrid vẫn đang cố tránh một gói cứu trợ toàn diện từ Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ngoài các yêu cầu cực kỳ khắt khe về cắt giảm chi tiêu, chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy quan ngại khi phải sống nhờ vào hỗ trợ tài chính từ bên ngoài, Tây Ban Nha sẽ mất khả năng đi vay trên các thị trường tài chính quốc tế như đã xảy ra với Hy Lạp. Vì thế, báo động tài chính từ các địa phương sẽ tạo áp lực lớn với Madrid. Thủ tướng Mariano Rajoy có thể thực hiện lời hứa không để mặc các địa phương bị "chết chìm" vì nợ trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn không đơn giản.
Khi Tây Ban Nha đang cố quên lời kêu gọi của EU về một gói cứu trợ toàn diện thì chính người dân nước này lại không tin Madrid có thể thành công. Chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, lượng tiền gửi bị rút khỏi các ngân hàng tại quốc gia Tây Nam Âu này đã lên đến 74 tỷ euro, tương đương 7% GDP. Lượng tiền rút chạm ngưỡng cao nhất trong 15 năm qua là chỉ số rõ ràng nhất khẳng định lòng tin của người dân Tây Ban Nha vào hệ thống ngân hàng; đồng thời dự báo không còn xa xôi nữa nước này sẽ phải tiếp nhận hỗ trợ của quốc tế. Số liệu thống kê cho thấy GDP của xứ Bò tót đã giật lùi 0,4% trong quý II vừa qua sau khi giảm 0,3% trong quý I. Con số này cho thấy Madrid rất khó thuyết phục dư luận rằng sẽ đứng vững bằng nội lực.
Thành tích hai quý tăng trưởng âm liên tiếp đã đưa nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) chính thức rơi vào suy thoái. Như những quốc gia từng vướng nợ tại Châu Âu, Tây Ban Nha đang đứng trước một cung đường khó khăn. Đó là khả năng thanh khoản thấp sẽ dẫn đến suy thoái và suy thoái lại tiếp tục ảnh hưởng đến các nỗ lực thoát khỏi nợ nần... Những đốm sáng dù là nhỏ bé nhất vẫn chưa xuất hiện trên bầu trời kinh tế của quốc gia Tây Nam Âu xinh đẹp mà ngược lại, những vấn đề mà trụ cột thứ 4 của Eurozone đang vấp phải rất có thể biến Tây Ban Nha thành cuộc đổ vỡ đáng sợ nhất của đại dịch nợ nần đang hoành hành tại Cựu lục địa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.