Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tàu khu trục Zumwalt: “Siêu phẩm” của Hải quân Mỹ

Quỳnh Chi| 16/11/2013 07:12

(HNM) - Nhằm mục đích thay thế các tàu khu trục đang phục vụ như Spryuens hay Oliver Perry, cuối tháng 10 vừa qua, Hải quân Mỹ đã hạ thủy chiến hạm Zumwalt, được coi là một trong những chiến hạm hiện đại nhất từng được đóng trên thế giới.

Có người đã ví con tàu được đặt theo tên của đô đốc hải quân Mỹ Elmo Russell Zumwalt này như là chiếc "iPhone 6" trong đội tàu chiến của quân đội Mỹ vì sự bóng bẩy, lợi hại, tiện dụng và vô cùng đắt đỏ. Có lẽ vì thế mà sau khi sản xuất 3 chiếc, toàn bộ dự án này sẽ bị dừng.


Được khởi công vào tháng 10-2008, dự kiến hạ thủy vào tháng 10-2011, nhưng do những phức tạp trong thiết kế; đồng thời với những cắt giảm ngân sách quốc phòng thời gian qua nên ngày ra mắt "siêu phẩm" này đành phải lùi lại; và, đến năm 2014, Zumwalt mới có thể được đưa vào khai thác sử dụng. Theo kế hoạch ban đầu, con tàu có chi phí sản xuất khoảng 3,8 tỷ USD/chiếc nhưng do các nhà sản xuất và Hải quân Mỹ nhồi nhét quá nhiều công nghệ hiện đại để tăng tính năng tác chiến cho con tàu nên giá thành cuối cùng đã tăng gần gấp đôi.

Nhìn bề ngoài, Zumwalt không chỉ là mẫu khu trục tàng hình có thiết kế rất đẹp mà còn dài hơn các tàu thông thường khoảng 30m. Hải quân Mỹ cho biết, thiết kế của tàu khiến khả năng "làm trượt sóng radar" của đối phương tăng lên rất cao và từ đó tính năng tàng hình cũng tăng lên. Để đáp ứng nhiệm vụ đa dạng như tấn công các mục tiêu ven bờ và sâu trong đất liền, yểm trợ hỏa lực các chiến dịch bờ biển và trên đất liền của bộ binh, tiến hành các hoạt động tác chiến trên vùng nước ven bờ của đối phương… cấu trúc thiết kế của Zumwalt được tính toán để lắp đặt các tổ hợp vũ khí hiện đại sẽ phát triển trong tương lai. Ngoài ra, thiết kế cũng cho phép nhu cầu nâng cấp kịp thời, duy trì được ưu thế và tình trạng kỹ chiến thuật được dự báo trong tương lai.

Do có khá nhiều công nghệ siêu hiện đại nên khu trục hạm tàng hình Zumwalt cũng rất "hại điện". Để có đủ nguồn điện cung cấp cho con tàu, nhà sản xuất đã phải đưa lên đó một nhà máy phát điện có công suất 78 MW - lượng điện đủ để cung cấp cho 78.000 hộ gia đình Mỹ. Một trong những loại vũ khí "ngốn điện" nhất của con tàu là hệ thống pháo từ trường lần đầu tiên được Hải quân Mỹ đưa vào sử dụng. Hệ thống pháo này sử dụng cả từ trường và điện trường để bắn đầu đạn đi với vận tốc nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh (Mach 7). Bên cạnh đó là, hệ thống radar đa chức năng quét, hệ thống chống ngầm... Tàu có hầm chứa máy bay và được biên chế một máy bay trực thăng SH-60 Sea Hawk và ba máy bay không người lái MQ-8 Fire Scout. Đặc biệt, với hệ thống phóng tấn công tầm xa nên con tàu này được trang bị các loại tên lửa hiện đại nhất như Tomahawk, SM-3 và tên lửa phòng không SeaSparrow. Nhờ các hệ thống tự động hóa và vi tính hóa ở mức cao nên thủy thủ đoàn chỉ còn lại 158 người, trong khi những chiếc tàu khu trục thông thường cần đến 210 thủy thủ.

Với khả năng tàng hình vượt trội, vũ khí vô cùng tiên tiến, trang bị hiện đại, Zumwalt được đánh giá là những chiến binh đặc nhiệm chuyên thực hiện những nhiệm vụ bí mật của Hải quân Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tàu khu trục Zumwalt: “Siêu phẩm” của Hải quân Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.