Nhiều dân tộc trên thế giới hiện nay vẫn duy trì nét văn hóa truyền thống đẹp là tặng quà cho nhau vào dịp Tết. Tuy nhiên, tùy theo phong tục, tập quán riêng mà tập tục tặng quà Tết ở mỗi dân tộc, mỗi vùng dân cư lại có những nét đặc sắc và khác biệt.
Tập tục tặng quà ngày Tết
Ở châu Phi, trên quần đảo Cơ rít, khi đến chúc Tết gia đình bạn, người ta thường mang đến một tảng đá to, đặt lên bàn tiệc của gia đình rồi nói với bạn những lời chúc tốt đẹp nhất. Và câu nói cuối cùng bao giờ cũng là: “Mong sao năm mới sẽ có khối vàng nặng như tảng đá này đến nhà bạn."
Ở Bulgaria, nếu đúng lúc bạn đến thăm và chúc Tết gia đình bạn bè, người thân mà hắt hơi thì có nghĩa là sẽ mang lại hạnh phúc cho gia chủ. Chủ nhà lập tức đáp lễ bằng cách tặng lại bạn một con gà, con bê hay con ngựa con vừa mới sinh ra trong đàn gia súc của gia đình.
Vào sáng mồng một Tết ở Hungary, khi cả nhà quây quần bên bàn tiệc tân niên, con cháu sẽ kính cẩn tặng ông bà, cha mẹ những cuốn sách quý hoặc những đôi tất ấm và khăn quàng mùa đông để bày tỏ tấm lòng hiếu thảo của mình. Trẻ em thì được ông bà, cha mẹ tặng cho những món đồ chơi mà chúng ưa thích nhất.
Ở Pháp, tại một số vùng nông thôn, bạn bè thân thiết đến thăm nhau ngày Tết thường tặng nhau những thanh củi lớn tượng trưng cho sự ấm cúng, hạnh phúc của năm mới. Ở miền Nam nước Pháp, sáng mồng một Tết, người phụ nữ đầu tiên trong làng ra giếng lấy nước sẽ để lại ở đấy một chiếc bánh ngọt tự tay mình làm. Người thứ hai đến sẽ lấy chiếc bánh đó đi và để lại chiếc bánh của mình. Cứ thế, các bà nội trợ trong làng đã trao đổi với nhau những chiếc bánh ngon, vừa để chúc mừng nhau năm mới, vừa để khoe tài nội trợ của mình.
Tại Scotland, trong đêm Giao thừa và ngày mồng một Tết, tất cả mọi gia đình đều mở rộng cửa để đón khách đến chúc Tết. Ghé vào bất cứ nhà nào bạn cũng sẽ được tiếp đãi nhiệt tình và mời ăn uống no say, nhưng bạn hãy nhớ mang theo một hòn than ném vào lò sưởi của gia đình chủ với lời chúc: “Mong rằng ngọn lửa trong nhà này sẽ cháy mãi không bao giờ tắt." Câu chúc này có ý nghĩa mong muốn cho gia chủ một năm mới đầm ấm và hạnh phúc.
Tại Nam Mỹ, trong đêm Giao thừa, nhân dân Brazil thắp sáng hàng ngàn ngọn nến dọc bờ biển để tế Nữ thần biển cả. Trong giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm mới, phụ nữ ở đây mặc những chiếc váy dài trắng, ôm những bó hoa tươi thắm đủ màu sắc ra đặt ở bãi biển. Những lớp lớp sóng biển nối tiếp nhau, tiến vào bờ cát rồi rút về biển cả bao la mang theo những bó hoa tươi thắm để dâng tặng cho Nữ thần.
Trong lúc đó, ngoài khơi xa, giữa đại dương mênh mông đầy sóng gió, các chủ thuyền đánh cá thả xuống biển các loại bè, mảng nhỏ chứa đầy ắp hoa, quả, xôi, bánh ngọt, xà phòng thơm, gương soi, lược và nến. Trên thuyền, đuốc cháy sáng rực suốt đêm để cúng Nữ thần biển cả, cầu mong Nữ thần che chở, bảo vệ cho ngư dân, thủy thủ một năm mới đi biển được bình an vô sự, đi đến nơi về đến chốn.
Thực hiện nghiêm túc lời dạy của Thánh Ala: “Đừng bao giờ lạnh lùng trước những nỗi bất hạnh, đói khổ của đồng bào, đồng loại mình," những người theo đạo Hồi ở Indonesia (chiếm phần lớn dân số) thay vì ăn uống no say linh đình trong dịp Tết, lại thường nhịn ăn, bớt tiêu để làm từ thiện cho những người nghèo, trẻ mồ côi và người già không nơi nương tựa.
Còn ở Lào, Campuchia và Thái Lan, trong những ngày Tết, để chúc nhau may mắn và sức khỏe người ta tạt nước vào nhau. Nước là biểu tượng cho sự sống, sự trong sạch và mát lành. Tạt nước vào nhau trong những ngày Tết với mong ước cho bạn bè, người thân của mình sống sạch, sống đẹp và ngập tràn hạnh phúc trong năm mới; đồng thời cũng cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cỏ cây xanh tốt để mùa màng bội thu, cuộc đời ấm no.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.