(HNM) - Cuối năm là thời điểm các đối tượng buôn lậu hoạt động mạnh, với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng của Hà Nội, giữa Hà Nội với các địa phương lân cận; tập trung vào mặt hàng, địa bàn trọng điểm. Đó là nội dung chính của hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu,
Nhiều thủ đoạn đối phó
Cuối tháng 11-2016, Đội Quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra địa điểm kinh doanh thuốc lá điếu tại tổ 6, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, phát hiện hơn 6.110 bao thuốc lá ngoại không rõ nguồn gốc, trị giá 200 triệu đồng. Trước đó, cũng trong tháng 11, Công an TP Hà Nội đã bóc gỡ đường dây vận chuyển, buôn bán ngà voi, bắt giữ 50kg ngà voi nhập lậu.
Ảnh minh họa |
Đây là 2 vụ việc điển hình trong số hàng nghìn vụ buôn lậu bị lực lượng chức năng Hà Nội triệt phá trong năm 2016. Mặc dù kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, song công tác đấu tranh chống buôn lậu vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội phân tích, cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất. Đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới. Khi có điều kiện thuận lợi, chủ hàng lậu chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Các cơ sở kinh doanh thay đổi phương thức hoạt động, không sử dụng phương tiện vận chuyển hàng lớn để đưa hàng vào chợ, mà dùng các phương tiện nhỏ, cơ động, vận chuyển hàng vào các điểm chứa nhỏ nằm xen lẫn trong các khu dân cư xung quanh chợ, để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Hàng giả, hàng lậu bày bán trà trộn với các loại hàng hóa thông thường cùng loại.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Nguyễn Văn Hồng cho biết thêm, để đối phó với lực lượng chức năng, đối tượng buôn lậu không chỉ sử dụng đường bộ mà còn sử dụng đường hàng không, nhân viên hàng không để vận chuyển hàng lậu. “Vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Công an TP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ vụ buôn lậu 80 cây vàng trên chuyến bay từ Nội Bài đi Hàn Quốc được giấu bên dưới ghế máy bay, là một trong những vụ điển hình của thủ đoạn mới này” - ông Nguyễn Văn Hồng nói.
Năm 2016, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã xử lý gần 24.000 vụ vi phạm, khởi tố 205 vụ, 222 đối tượng, thu nộp ngân sách gần 3.900 tỷ đồng... liên quan đến buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. |
Lập danh sách cơ sở nghi vấn buôn lậu
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng BCĐ 389 Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu, các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra các mặt hàng phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết, như: Rượu, bia, thuốc lá, pháo nổ, đồ may mặc, da giày, điện tử, điện lạnh, thực phẩm...; các địa bàn trọng điểm, như: Chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, Hà Vĩ...; các ga Hà Nội, Yên Viên, Gia Lâm, Sân bay quốc tế Nội Bài...
Để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện vi phạm, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị, các lực lượng chủ động phối hợp, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu. Thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh làm ăn chân chính. Cùng với đó, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy chế phối hợp trong việc kiểm tra, kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2017, trước mắt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng BCĐ 389 Hà Nội và giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017.
Được biết, BCĐ 389 Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Thanh tra liên quan đến các cơ quan được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành; hướng dẫn cụ thể thẩm quyền tịch thu hàng hóa đối với tổ chức vi phạm; kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, hướng dẫn quy định về giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính theo hướng cấp phó được áp dụng tất cả các biện pháp ngăn chặn hành chính; đề nghị BCĐ 389 quốc gia chỉ đạo các tỉnh, thành phố có cửa khẩu ký quy chế phối hợp chống buôn lậu với Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.