(HNM) - Hiện nay, diện tích rau trên địa bàn Hà Nội còn phân tán, nhỏ lẻ, khiến việc quản lý các vùng rau gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh giám sát, tập trung phòng trừ sâu bệnh hại, các vùng sản xuất rau an toàn của thành phố luôn bảo đảm năng suất, chất lượng...
Vụ xuân 2019 toàn thành phố
đã gieo trồng được 19.560,5ha rau màu các loại, trong đó, ngô 4.606,5ha, lạc 1.937,4ha, đậu tương 419,1ha, rau các loại 8.466,9ha... Cơ bản diện tích rau màu trên địa bàn thành phố sinh trưởng phát triển bình thường.
Tuy nhiên, một số diện tích còn sâu bệnh hại. Cụ thể, trên rau thập tự bị hại bởi bọ nhảy 82,9ha, sâu xanh 62,7ha, sâu khoang 33,7ha, bệnh thối nhũn vi khuẩn 16,6ha... Trên cây họ cà: Bệnh mốc sương 14,6ha, dòi đục lá 4,5ha... Trên bầu bí: Bệnh giả sương mai 5ha, bệnh phấn trắng 21ha, bọ dưa 4,9ha... Trên rau muống, bị sâu khoang 20,8ha, bọ ba ba 4,1ha...
Đóng gói, dán tem, nhãn rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hữu Tiệp |
Để bảo đảm phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, giám sát việc sử dụng vật tư nông nghiệp, phân bón thuốc bảo vệ thực vật đúng cách trên rau màu, nhất là các vùng rau trọng điểm của thành phố, từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất rau an toàn trên diện tích 5.000ha.
Đơn vị đã cử cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn tại các mô hình thí điểm chuỗi rau an toàn áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS) tại 5 vùng PGS duy trì và 10 vùng PGS phát triển mới; triển khai khóa đào tạo giảng viên về IPM trên rau cho 30 học viên là cán bộ kỹ thuật, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật các xã; triển khai 25 lớp IPM vụ xuân hè, tổ chức 14 lớp tuyên truyền kỹ thuật trồng rau, 9 lớp tập huấn an toàn thực phẩm cho người sản xuất.
Đặc biệt, Chi cục đã triển khai được 8/20 mô hình bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang và sâu đục quả cà chua; 13/28 mô hình thử nghiệm bón phân hữu cơ cải tạo đất; 3/5 mô hình bẫy bả phòng trừ ruồi hại; 7/21 mô hình thử nghiệm sử dụng bẫy dính phòng trừ sâu hại tại các quận, huyện, thị xã...
Ngoài ra, đơn vị còn biên soạn 154 bài tuyên truyền và phát 2.727 lượt trên đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn với nội dung: Hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, vận động nhân dân không buôn bán, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, các quyết định về loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật có hiệu lực sinh học thấp, độ độc cao, có nguy cơ gây hại sức khỏe con người và môi trường ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Qua giám sát sản xuất rau an toàn tại các địa phương, cán bộ, kỹ thuật viên của Chi cục đã lập 118 biên bản nhắc nhở vi phạm của một số hộ nông dân trong vùng sản xuất rau an toàn.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thực tế qua nhiều năm cho thấy, để các vùng sản xuất rau an toàn đạt chất lượng tốt, ngay tại vùng sản xuất, Chi cục phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn tốt quy trình sản xuất rau an toàn cho nông dân, đồng thời, phối hợp với hợp tác xã hướng dẫn nông dân thực hành trên đồng ruộng.
Sau đó, cán bộ, kỹ thuật viên cùng nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh hại, xử lý kịp thời, hiệu quả với phương châm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ; chỉ sử dụng phân hữu cơ và các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh hại từ thảo mộc.
Thông qua việc giám sát, kiểm tra chéo giữa các địa phương sản xuất rau an toàn cho thấy, tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép hoặc thực hiện sai quy định về sản xuất rau an toàn được hạn chế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.