(HNM) - Trong tổng số 186 huy chương (73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ) của Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) giành được tại SEA Games 28, các vận động viên (VĐV) do Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội quản lý huấn luyện góp 136 huy chương, trong đó có 50 HCV.
- Ông đánh giá thế nào về kết quả thi đấu của VĐV các đội tuyển tại kỳ SEA Games 28 do Trung tâm phụ trách công tác quản lý và huấn luyện?
- SEA Games 28 - 2015, các VĐV do Trung tâm quản lý huấn luyện góp 136/186 huy chương của Đoàn TTVN, trong đó có đến 50/73 HCV. Tôi đánh giá 4 đội tuyển gồm thể dục dụng cụ (TDDC), đấu kiếm, rowing, điền kinh đã đạt được những thành tích vượt bậc. Đặc biệt, một số VĐV đã khẳng định được trình độ tại đấu trường khu vực. Đơn cử như VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền (giành 3 HCV, trong đó nội dung 400m rào nữ phá kỷ lục SEA Games đã tồn tại trên 20 năm)... đạt chuẩn tham dự Olympic; hay như VĐV TDDC Đinh Phương Thành (4 HCV) có trình độ và kỹ thuật đạt tầm châu lục...
- Những nhân tố nào giúp Trung tâm có bảng thành tích ấn tượng nói trên, thưa ông?
- Thứ nhất, Trung tâm có truyền thống quản lý và huấn luyện, tạo môi trường tập luyện tốt nhất cho các VĐV. Thứ hai, Trung tâm nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các địa phương, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân đội, Thanh Hóa, Hải Dương, Nam Định… Thứ ba, trước mỗi khó khăn, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của các nhà chuyên môn, trưởng bộ môn, lãnh đạo Vụ Thể thao thành tích cao, các đơn vị trong Tổng cục và sự quan tâm của lãnh đạo Tổng cục TDTT, đặc biệt sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL trong thời gian qua…
- Nhưng chúng ta không thể không kể đến nỗ lực của từng VĐV?
- Đúng vậy, sự cố gắng của từng VĐV có ý nghĩa quyết định. Hằng ngày, họ phải vượt qua mọi khó khăn trở ngại của cuộc sống, luôn nỗ lực tập luyện với cường độ và khối lượng lớn, vượt lên chính mình. Thêm nữa là sự hy sinh, gian khổ, chỉ đạo sát sao của các huấn luyện viên trong việc hỗ trợ các em tập huấn quanh năm. Đặc biệt, trong bối cảnh chế độ đãi ngộ còn nhiều hạn chế, phải kể đến sự hỗ trợ của gia đình các VĐV về cả vật chất và tinh thần.
- Vậy, Trung tâm có sự hỗ trợ cụ thể thế nào cho các VĐV, thưa ông?
- Quân số Trung tâm chỉ có 150 người, phải phục vụ đào tạo quản lý từ 40 đến 50 đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia với số lượng 800-1.000 VĐV... Nhưng có thể khẳng định, với nỗ lực của các cán bộ, các VĐV đã được quản lý rất tốt. Quy trình hồi phục sức khỏe, chăm sóc, nuôi dưỡng VĐV đang dần áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Trung tâm cũng tăng cường đầu tư nơi ăn, nghỉ, giải trí, tổ chức học tập văn hóa cho VĐV...
- Từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ tập trung cho những nhiệm vụ nào?
- Chúng tôi tiếp tục chú trọng các môn thể thao Olympic, tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho các VĐV trọng điểm, phấn đấu nâng cao thành tích trong vài năm tới tại ASIAD và cả đấu trường Olympic.
Trung tâm đang tiến hành tổng kết, đánh giá từng đội tuyển; tiếp tục đào tạo, đồng thời thay thế, bổ sung các VĐV hết khả năng thi đấu. Với các VĐV phải tập trung cho nhiệm vụ tham dự hoặc giành vé dự Olympic, Trung tâm sẽ cố gắng huy động sự đầu tư xã hội hóa cho các em.
- Là người hoạt động trong lĩnh vực thể thao lâu năm, theo ông, chúng ta cần làm gì để thể thao Việt Nam ngày càng phát triển?
- Các cơ sở huấn luyện cần phải có điều kiện tốt nhất để hỗ trợ VĐV thi đấu đạt thành tích cao. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ chính sách đặc thù để thu hút nhân tài một cách sâu rộng. Mong rằng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp sẽ luôn chung tay cùng TTVN, đầu tư cho thể thao phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đất nước.
- Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.