Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung dồn điền đổi thửa

Nguyễn Mai| 20/05/2011 06:56

(HNM) - Thuộc vùng gò đồi bán sơn địa, lại xa trung tâm huyện Ba Vì nên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở Phú Sơn gặp nhiều khó khăn. Để xây dựng thành công mô hình NTM, Phú Sơn xác định huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đặc biệt, quyết liệt triển khai bằng được công tác dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân.

Xã nghèo lại khó


Phát triển mô hình vườn trại cho thu nhập cao ở Phú Sơn.


Phú Sơn có 5 thôn gồm Cao Lĩnh, Quy Mông, Phú Hữu, Phú Mỹ và Yên Kỳ với 1.957 hộ, 8.808 nhân khẩu. Ông Chu Bá Tráng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn cho biết đồng đất xã vùng đồi gò, đời sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, năm 2010 xã còn 396 hộ nghèo, 176 hộ cận nghèo; cơ sở hạ tầng cũng chậm được đầu tư và chưa đạt chuẩn. Khoảng chục năm trở lại đây, xã Phú Sơn còn trở thành làng "khát" bởi tình trạng khô hạn. Vào những tháng mùa khô, người dân trong xã vừa vất vả lo chống hạn cho lúa và cây rau màu vụ xuân, vừa phải gồng mình lo nước ăn từng bữa và nước uống cho gia súc. Để có nước dùng, nhiều hộ trong thôn đã chi phí hàng chục triệu đồng xây dựng bể, đào giếng song vào mùa khô giếng vẫn cạn trơ đáy. Gia đình anh Phùng Văn Thuật thôn Cao Lĩnh kể: "Gia đình tôi xây giếng nhưng không có nước. Hằng tháng phải bỏ ra 2-3 trăm nghìn đồng để mua nước về dùng. Ở quê chỉ trông vào mấy sào ruộng lại phải chi phí thêm cả tiền nước sinh hoạt nên kinh tế gia đình lại càng khó khăn". Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước ở đây do một số thôn ở Phú Sơn thuộc vùng đồi cao khoảng 300m so với mực nước biển, nước ngầm khan hiếm. Chính quyền địa phương đã can thiệp bằng cách xây một số giếng công cộng phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân dân; hỗ trợ người dân xây giếng, bể trữ nước, khoan giếng, bơm nước từ kênh mương, ao, ngòi về vườn nhà cho thẩm thấu xuống giếng khơi... nhưng hầu hết đều không khả thi.

Là xã vùng đồi gò, 95% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp, kinh doanh - thương mại chỉ chiếm 5% nhưng việc tưới tiêu của 50% diện tích đất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên. Trong khi đó, đồng ruộng đồi gò khiến hàng trăm hécta đất nông nghiệp của xã thường xuyên thiếu nước, trong đó cây lúa ở Phú Sơn là chủ đạo nhưng năng suất rất bấp bênh, chỉ đạt 53 tấn/ha, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Dồn lực xây dựng NTM

Cùng với các xã khác trên địa bàn huyện Ba Vì, Phú Sơn đang lập đề án xây dựng NTM với nhiều giải pháp tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đưa Phú Sơn vươn lên thoát nghèo và trở thành xã NTM vào năm 2015. Ông Chu Bá Tráng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, với kinh phí dự kiến trên 500 tỷ đồng, trong 5 năm Phú Sơn sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm để nâng cao dân trí, sức khỏe cho người dân. Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn về nước sạch, xã phối hợp cùng các ngành chức năng đầu tư kinh phí xây dựng một số giếng công cộng tại các khu vực thường xuyên bị thiếu nước phục vụ nhu cầu sử dụng của bà con.

Cùng với xây dựng hạ tầng, là vùng quê thuần nông, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, muốn nâng cao thu nhập; Phú Sơn xác định khâu quan trọng là phải thực hiện bằng được công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Mục tiêu trước mắt của Phú Sơn là dồn ô đổi thửa từ mỗi hộ có 5-7 thửa, xuống 1-2 ô thửa để bà con tiện canh tác, bên cạnh đó là việc nâng cấp giao thông nội đồng..." Xây dựng NTM địa phương sẽ quy hoạch lại đồng ruộng, đưa cây, con mới và khoa học kỹ thuật vào sản xuất"- ông Tráng cho biết. Trên cơ sở kế hoạch đó, Phú Sơn sẽ làm điểm trước tại các thôn Phú Hữu, Phú Mỹ và Yên Kỳ (đã thu hồi 200ha phục vụ dự án xây dựng nghĩa trang Yên Kỳ và Công viên Vĩnh Hằng).

Ông Tráng cũng chia sẻ, cùng với việc tập trung tuyên truyền vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, trong 2 năm lại đây, Phú Sơn đã tích cực thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đã có 50% diện tích lúa được gieo sạ, năng suất đạt cao hơn, giảm chi phí (công chăm sóc, giống, phân bón), bà con rất phấn khởi. Hiện toàn xã có 24/283ha chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao hơn cấy lúa. Phú Sơn phấn đấu sẽ nâng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 50 triệu đồng/ha trong năm nay. Đồng thời khuyến khích nhân dân đưa nghề mới về làng, đa dạng hóa các dịch vụ phát triển kinh tế. Kinh tế của nhân dân ổn định sẽ là tiền đề vững chắc cho địa phương xây dựng thành công mô hình NTM.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung dồn điền đổi thửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.