(HNM) -
Cặp vận động viên khuyết tật Nguyễn Văn Thương và Trần Minh Nhuận thi đấu môn cầu lông tại một giải quốc tế. |
- Ông có thể cho biết đôi điều về hành trình thực hiện nhiệm vụ “3 trong 1” trong năm 2019 của thể thao người khuyết tật Việt Nam tính đến thời điểm này?
- Với ASEAN Para Games 2019, mục tiêu của thể thao người khuyết tật Việt Nam không phải là nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu, mà sẽ có nhiều vận động viên dự giải đạt thành tích xuất sắc, phá kỷ lục thì càng tốt. Bởi đặc thù của đấu trường ASEAN Para Games là nước chủ nhà có quyền đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn mới, lạ của nước họ, nếu cứ mải tranh vị trí Nhất, Nhì, Ba toàn đoàn sẽ rất áp lực và chúng ta cũng không có đủ vận động viên để chạy theo những chuyện đó. Vì vậy, chúng ta sẽ tập trung nâng chất lượng chỉ số thành tích của vận động viên ở những môn sở trường của Việt Nam như bơi, điền kinh, cử tạ... Đây cũng là tiền đề để thể thao người khuyết tật Việt Nam có thêm nhiều gương mặt giành suất tham dự Paralympic Tokyo 2020.
- Giành nhiều suất tham dự Paralympic Tokyo 2020 là điều không dễ dàng. Hiệp hội Paralympic Việt Nam đã làm gì để hiện thực hóa nhiệm vụ này?
- Muốn giành quyền tham dự Paralympic, các vận động viên thể thao người khuyết tật phải tham gia các cuộc thi tích điểm, phấn đấu đạt chuẩn tham dự đấu trường lớn nhất thế giới. Vì vậy, thời gian qua, Hiệp hội và Tổng cục Thể dục thể thao đã phối hợp, cử lực lượng các đội tuyển tham gia nhiều giải thế giới đơn môn, như bơi thi đấu tại Singapore, điền kinh tại Trung Quốc, cử tạ tại Kazakhstan. Thành tích cao nhất là trong số 16 vận động viên Việt Nam dự Giải Điền kinh thế giới tại Trung Quốc, có tới 9 người đoạt Huy chương vàng. Đây là điều đáng mừng, bước đầu cho thấy lực lượng kế cận của điền kinh Việt Nam đã xuất hiện, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều gương mặt giành quyền tham dự Paralympic.
- Năm 2016 tại Paralympic Rio - Brazil, lần đầu tiên sau 20 năm duy trì Hiệp hội Paralympic Việt Nam, thể thao người khuyết tật Việt Nam giành được 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng. Ông đánh giá thế nào về cơ hội tái lập kỳ tích này ở Paralympic Tokyo 2020 tới đây?
- Paralympic Rio 2016 có sự góp mặt của gần 4.500 vận động viên thuộc 162 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam chỉ có 11 vận động viên đại diện, tham dự 3 trong tổng số 23 môn đấu của đại hội nhưng đã giành thành tích rất ấn tượng, tiêu biểu là Huy chương vàng của lực sĩ cử tạ Lê Văn Công (hạng 49kg nam, thành tích 183kg, phá kỷ lục thế giới và kỷ lục Paralympic). Những gương mặt nổi bật như Lê Văn Công (cử tạ), Võ Thanh Tùng (bơi lội)... cũng vẫn thi đấu thành công tại ASIAN Para Games 2018 và hiện nay vẫn đạt phong độ tốt. Trong thể thao, để giành được Huy chương vàng còn phải tính đến yếu tố bất ngờ và sự may mắn. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị lực lượng tốt, tôi tin các vận động viên Việt Nam có đủ khả năng giành Huy chương Paralympic Tokyo 2020 ở môn bơi, cử tạ, điền kinh.
- Với việc chuẩn bị đăng cai ASEAN Para Games 2021 khi Việt Nam là nước chủ nhà, đến nay, các đầu việc đã được triển khai đến đâu, thưa ông?
- Việt Nam đã từng đăng cai thành công ASEAN Para Games 2003 và nhiều đại hội thể thao lớn khác sau đó, nên không phải quá lo lắng về năng lực đăng cai thành công ASEAN Para Games 2021. Hiện tại, đề án đăng cai và tổ chức ASEAN Para Games 2021 đã được xây dựng, sau khi Chính phủ phê duyệt thì các phần việc liên quan sẽ được triển khai thực hiện nhanh chóng.
Về nhiệm vụ chuyên môn, hiện tại, thể thao người khuyết tật Việt Nam mới phát triển 8 môn thi đấu có kết quả tốt. Nhưng khi đăng cai ASEAN Para Games, thông thường các quốc gia chủ nhà phải tổ chức tối thiểu 13-14 môn đấu. Như vậy, chúng ta cần đầu tư phát triển một số môn mới như bóng chuyền ngồi, bóng rổ, bắn cung, bắn súng, bóng lăn cho người mù... Để thực hiện những việc này, rất cần có kinh phí mời chuyên gia, huấn luyện viên, đào tạo vận động viên với kế hoạch, tiến độ đầu tư rõ ràng, cụ thể và hiệu quả.
- Từ nay đến thời điểm ASEAN Para Games 2019 khai cuộc vào tháng 12-2019 tại Philippines, Hiệp hội Paralympic Việt Nam sẽ tập trung vào các đầu việc nào?
- Một mặt chú trọng đào tạo, tập huấn lực lượng vận động viên trẻ các môn điền kinh, bơi, cử tạ, tập huấn thường xuyên đội tuyển từ nguồn ngân sách địa phương và trung ương, thành lập đội tuyển tham gia ASEAN Para Games 2019 và Paralympic Tokyo 2020, mặt khác, Hiệp hội Paralympic Việt Nam và Tổng cục Thể dục thể thao sẽ phối hợp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng trọng tài, huấn luyện viên, bác sĩ khám phân loại thương tật. Chúng tôi cũng sẽ vận động, thu hút phát triển nhiều môn thể thao khác, đưa vào hệ thống thi đấu của thể thao người khuyết tật quốc gia đối với các môn judo, bóng đá, taekwondo, bóng rổ, bắn cung...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.