Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung cải cách doanh nghiệp nhà nước

Hồng Sơn| 13/09/2016 07:18

(HNM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành dự thảo


Tái cơ cấu là yêu cầu cấp thiết để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước chủ động trong đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Thanh Hải



Không thể không thay đổi

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam đang đối diện một số tình huống đáng quan tâm, cần phải điều chỉnh và có biện pháp thích ứng. Thứ nhất, do tiến bộ của công nghệ nên lợi thế cạnh tranh của các quốc gia có lao động và tài nguyên giá rẻ ngày càng giảm sút. Việc tăng cường tự động hóa, robot và công nghệ in 3D trong các ngành sử dụng nhiều lao động khiến Việt Nam mất từ 60% đến 86% tổng số việc làm trong các ngành như: Dệt may, da giày, điện tử và ô tô - xe máy. Ngoài ra, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dựa trên nguồn lao động và tài nguyên giá rẻ ngày càng khó khăn. Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, đòi hỏi nền sản xuất và dịch vụ trong nước phải nhanh chóng tuân theo các thông lệ, quy chuẩn và quy trình quốc tế. Thứ ba, việc mở rộng các yếu tố sản xuất đầu vào, như lao động, tài nguyên, vốn đầu tư nhà nước đã tới giới hạn, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi nhanh chóng mô hình tăng trưởng.

Trước những tình huống mới, doanh nghiệp (DN) nhà nước, từng được kỳ vọng là "trụ cột" nền kinh tế, bộc lộ nhiều điểm yếu, hạn chế mang tính cố hữu, khiến DN Việt đứng cuối bảng xếp hạng so với khu vực. Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, hiệu quả sử dụng vốn của DN nhà nước được đánh giá là thua kém các DN thuộc thành phần kinh tế khác. Dù được hưởng nhiều ưu đãi về cơ chế, đang sử dụng tới 60% nguồn lực quốc gia nhưng DN nhà nước chỉ đóng góp khoảng 40% GDP. Thế nhưng, kết quả cổ phần hóa (CPH) tại các DN nhà nước thường chậm, là lực cản đối với quá trình đổi mới, sắp xếp lại DN.

Sáu tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DN nhà nước và thu về 4.500 tỷ đồng cho ngân sách; đồng thời, có thêm 39 DN được phê duyệt phương án CPH. Song, những DN lớn, được coi là “con gà đẻ trứng vàng” thì vẫn lần lữa, chưa CPH. Ví dụ như Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), nếu thoái vốn sở hữu nhà nước (chiếm 81,7%), ngân sách nhà nước dự kiến thu về khoảng 9.000 tỷ đồng. Một “ông lớn” khác là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), có thể giúp ngân sách có thêm 40.000 tỷ đồng (vốn sở hữu nhà nước chiếm 89,59%) khi thoái vốn. Vì vậy, CPH chậm ngày nào quyền lợi của Nhà nước, nhân dân bị ảnh hưởng ngày ấy, thậm chí phát sinh hệ lụy.

Đẩy mạnh cổ phần hóa, xóa độc quyền

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong giai đoạn 2013-2015, Việt Nam đã tái cơ cấu đầu tư công, DN nhà nước và hệ thống ngân hàng nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trên cơ sở yêu cầu tăng tốc lộ trình cải cách, xác định mục tiêu, phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường, tránh thất thoát lãng phí, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân phát triển… Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Chính phủ đang thể hiện và vận hành theo hướng kiến tạo, lấy phục vụ và tạo điều kiện cho DN phát triển là mục tiêu quan trọng. "Điều này sẽ mang lại niềm tin, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, là động lực để từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp" - bà Phạm Chi Lan nhận định.

Với tinh thần đó, dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế đề xuất, DN nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty sẽ là trọng tâm tập trung cải cách, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN tư nhân. Đến năm 2020, thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi các DN không thuộc ngành nghề cần nắm giữ cổ phần trên 50%; giảm bớt các ngành nghề được quy định Nhà nước nắm giữ đa số cổ phần; nâng cao hiệu quả kinh doanh của tất cả DN có vốn nhà nước vượt qua mức trung bình. Một số chủ trương, biện pháp sẽ được áp dụng, gồm: Giảm sự tham gia của DN nhà nước vào các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao và DN tư nhân có thể đảm nhận; DN nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, có tính dẫn dắt và thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế, những lĩnh vực mà DN tư nhân chưa có khả năng hoặc không muốn tham gia...

Mặc dù còn nhiều tranh luận song dự thảo đề án tiếp tục đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu DN nhà nước và vốn nhà nước tại DN trong năm 2017. Chính phủ cũng xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm CPH, lộ trình CPH, mức độ thoái vốn và thời gian thực hiện đối với từng tập đoàn, tổng công ty; ngăn ngừa việc thất thoát tài sản. Xây dựng tiêu chí phân loại DN nhà nước theo các nhóm: Công ích, quốc phòng, an ninh, thương mại thuần túy; trong đó, tách bạch rõ giữa chức năng dịch vụ công và kinh doanh, minh bạch hóa thông tin về hoạt động của DN nhà nước. Cùng với đó, việc mở cửa thị trường, xóa bỏ độc quyền của DN nhà nước trên cơ sở thúc đẩy cạnh tranh, trước hết được thực hiện đối với thị trường điện; tiến tới mở rộng phương thức đấu thầu để lựa chọn DN tham gia, không phân biệt DN tư nhân hay nhà nước; tạo dựng môi trường thuận lợi, phù hợp thông lệ quốc tế để hỗ trợ DN khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020...

Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, sức mạnh lớn nhất và là động lực chủ yếu, quyết định quy mô, sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam phải được xác định rõ là khu vực DN tư nhân. Thực tế, việc theo đuổi mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam có thể muộn hơn một số nước khác, nhưng đã cho thấy có sự thay đổi nhận thức, xác định rõ mục tiêu để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững; hướng tới sự thịnh vượng bằng kết hợp hài hòa giữa phát huy nội lực và những cơ hội trong tiến trình hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung cải cách doanh nghiệp nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.