Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập đoàn Điện lực VN không được tiết giảm điện phục vụ sản xuất

L.H| 04/05/2011 18:10

(HNMO) – Đó là một trong nhiều chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong buổi họp giao ban trực tuyến tháng 4/2011 diễn ra trong ngày 4/5/2011. Cuộc họp đã đánh giá hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2011 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho 8 tháng còn lại trong năm 2011.


Tham dự cuộc họp giao ban trực tuyến có lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện một số Sở Công Thương và đại diện các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trực thuộc Bộ.

Tại cuộc hop, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện không tiết giảm điện, nhất là điện cho sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, có kế hoạch cụ thể huy động công suất các nhà máy điện, đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô năm nay. Bộ trưởng yêu cầu Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phối hợp với các địa phương chú trọng an toàn trong mùa mưa bão; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, Sở Công Thương có phương án dự trữ hàng hóa để cung cấp cho người dân đề phòng khi xảy ra thiên tai.


Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp, Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; nghiên cứu cải tiến khoa học công nghệ và sử dụng nguyên liệu hợp lý trong sản xuất; đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tốt thị trường hiện có và thị trường tiềm năng; theo dõi sát biến động thị trường thế giới cũng như trong nước để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần kiềm chế nhập siêu, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc sử dụng những thiết bị, vật tư trong nước sản xuất được.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường; tiếp tục phát triển mạng lưới phân phối, hệ thống bán lẻ hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp để góp phần bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị rà soát các chương trình, dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đưa những công trình quan trọng sớm đi vào hoạt động.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 4 ước đạt 71,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng ước đạt 270,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng của các doanh nghiệp thuộc Bộ tăng 15,1% so với cùng kỳ, trong đó, một số đơn vị có tốc độ tăng trưởng cao trên mức tăng trưởng chung của toàn ngành (14,2%) như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tăng 23,3%; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tăng 24,7%; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tăng 17,1%...

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 4 tháng so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,94 tỷ USD, tăng 35,7%. Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng ước đạt 31,83 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ. Nhập siêu 4 tháng khoảng 4,9 tỷ USD, chiếm 18,2% kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, về tình hình thị trường trong nước, trong tháng 4, giá cả hàng hóa tăng cao làm thị trường nhiều biến động. Gần những ngày cuối tháng, thị trường hàng hóa, dịch vụ phục vụ đầu hè sôi động hơn. Đặc biệt, nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí, dịch vụ vận chuyển phục vụ những ngày nghỉ dài có xu hướng tăng mạnh. Nguồn cung hàng hóa đa dạng và phong phú về chất lượng và xuất xứ. Giá xăng dầu thị trường trong nước cũng như trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và vận tải công cộng. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 4 ước đạt 153,9 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 1,8% so với tháng 3 nhưng tăng 23,0% so với tháng 4/2010; tính chung 4 tháng ước đạt 605,6 nghìn tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 tăng 3,32% so với tháng 3 và tăng 9,64% so với tháng 12/2010, cao nhất trong những năm gần đây. Như vậy, chỉ số giá 4 tháng đầu năm đã vượt 2,64% so với mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm (khoảng 7%). Chỉ số giá bình quân 4 tháng tăng 13,95% so với cùng kỳ.

Trong tháng 4, lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1.875 vụ vi phạm, trong đó có 415 vụ hàng cấm, hàng lậu; 721 vụ hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, chống dịch; 739 vụ vi phạm trong kinh doanh và vi phạm trong lĩnh vực giá. Tổng số tiền thu phạt là 2,65 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn Điện lực VN không được tiết giảm điện phục vụ sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.