Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, năm học 2023 - 2024, thành phố Hà Nội xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là mục tiêu, cũng là giải pháp để tăng hiệu lực quản lý, nâng chất lượng giáo dục. Toàn ngành quyết tâm tiên phong chuyển đổi số, tạo tiền đề vững chắc cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Để hiểu rõ hơn về những kết quả đạt được và giải pháp trong năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.
- Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Giáo dục Thủ đô trong thời gian qua?
- Giáo dục Hà Nội hiện có quy mô lớn nhất trong các địa phương với hơn 2.800 trường học, gần 2,3 triệu học sinh. Ngành Giáo dục Hà Nội xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm tiên phong. Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ này đối với chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để nâng cao nhận thức, kỹ năng và phương pháp.
Đến nay, các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành Giáo dục Thủ đô đã được bảo đảm. 100% các trường học có hệ thống mạng lan, kết nối internet, sử dụng đồng thời nhiều đường truyền internet của các nhà cung cấp khác nhau để bảo đảm kết nối không bị gián đoạn; kết hợp đa dạng và linh hoạt các phần mềm dạy học trực tuyến... Nhờ sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì học sinh, các trường học đều duy trì ổn định việc tổ chức giảng dạy, không làm gián đoạn việc học tập của học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
- Ông có cho rằng dịch bệnh cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của ngành Giáo dục?
- Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, đội ngũ nhà giáo Hà Nội đã có nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, nên dù học sinh không thể đến trường nhưng việc học tập vẫn có thể duy trì. Theo đó, các nhà trường đã tổ chức nhiều hình thức dạy - học linh hoạt như dạy trực tuyến, gửi bài học qua các nền tảng xã hội... phù hợp với đối tượng học sinh về độ tuổi, về hoàn cảnh thực tế.
Ngành Giáo dục Hà Nội đã xây dựng bài giảng dạy trên truyền hình, xây dựng kho bài giảng điện tử dùng chung trên hệ thống học và thi trực tuyến (http://study.hanoi.edu.vn). Thông qua hệ thống này, năm học 2019 - 2020, hơn 96.000 học sinh lớp 12 và 104.000 học sinh lớp 9 đã có đợt khảo sát chất lượng hiệu quả, giúp các em đạt kết quả tốt khi tham gia kỳ thi chuyển cấp.
- Ông nhận định thế nào về hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin đối với chất lượng giáo dục Thủ đô?
- Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hình thức học tập trực tuyến đã thu hút gần 100% số học sinh các cấp tham gia, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học của giáo dục Thủ đô.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp cho công tác điều hành của ngành không bị gián đoạn. Sở đã xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh; đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường...
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng duy trì sinh hoạt chuyên môn, trao đổi công việc, tổ chức kiểm tra, đánh giá và triển khai rất nhiều công việc khác theo hình thức trực tuyến. Các thầy giáo, cô giáo không quản ngại khó khăn dành nhiều thời gian tự học, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm tổ chức các bài dạy trực tuyến...
Có thể nói, trong giai đoạn ấy, rất nhiều phần việc, rất nhiều khó khăn chưa từng có đã được đội ngũ nhà giáo Thủ đô khắc phục, điển hình là tổ chức dạy học trực tuyến, thực hiện tốt tinh thần "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học" và triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kết quả giáo dục năm học 2022 - 2023 đã khẳng định hiệu quả tích cực của việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh thành phố tăng 11 bậc so với năm học trước; điểm thi của học sinh thành phố cao hơn mức trung bình của cả nước ở nhiều môn; học sinh Hà Nội vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia...
- UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập. Ngành Giáo dục thực hiện mục tiêu này thế nào, thưa ông?
- Một trong những giải pháp trọng tâm là xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hiện nay, dù dịch bệnh đã được kiểm soát, song ngành Giáo dục Hà Nội vẫn phát động giáo viên xây dựng nguồn học liệu số phục vụ giảng dạy và tự học của học sinh.
Sau khi được thẩm định, các học liệu này được tích hợp vào kho học liệu của ngành (http://study.hanoi.edu.vn). Đã có khoảng 300.000 học liệu (gồm ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, video clip...) được đóng góp vào kho học liệu và vẫn đang tăng lên. Kho học liệu này có ý nghĩa rất lớn đối với thầy giáo, cô giáo, học sinh và cả phụ huynh học sinh hiện nay trong việc tự học tập, đánh giá.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ phát triển mạng giáo dục trên cơ sở mở rộng và nâng cấp hệ thống quản lý ngành giáo dục điện tử hiện có, cho phép kết nối giữa học sinh - giáo viên - phụ huynh - nhà trường - các nhà quản lý giáo dục; kết nối các thành phần xã hội khác có khả năng cung cấp các dịch vụ giáo dục với những người có nhu cầu, kết nối học sinh thành các tổ, nhóm học tập; kết nối phụ huynh cùng lớp, cùng trường...
- Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị Hà Nội giải quyết dứt điểm hiện tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ. Ông có thể chia sẻ về giải pháp sẽ được triển khai?
- Với áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học, số học sinh hằng năm tăng mạnh, công tác tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những hạn chế được Sở nhận diện. Sở đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó có việc tham mưu lãnh đạo thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học; rà soát quy hoạch mạng lưới trường học; tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp...
Một trong những giải pháp quan trọng trong năm học mới là tăng cường điều kiện hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, quyết tâm tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ năm học 2024 - 2025 ở tất cả các trường. Giải pháp này nhằm tăng tính minh bạch, công khai và công bằng, từ đó chấm dứt việc phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ.
Trong các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của tất cả các cấp học, Sở đều nhấn mạnh yêu cầu các nhà trường ưu tiên tập trung nguồn lực, khích lệ, động viên giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp giảng dạy. Sở cũng sẽ rà soát, nâng cấp hệ thống tuyển sinh trực tuyến của thành phố để bổ sung các tính năng bảo đảm cho công tác tuyển sinh ngày càng minh bạch, khách quan và thuận tiện nhất cho phụ huynh học sinh.
- Căn cứ nào để ngành Giáo dục Hà Nội đưa ra giải pháp này, và ông có nhận định thế nào về tính khả thi?
- Từ chục năm nay, Hà Nội đã áp dụng tuyển sinh trực tuyến đối với các cấp học. Mọi thông tin về chỉ tiêu, đối tượng, thời gian, tuyến tuyển sinh... của từng trường được công khai. Dù vẫn áp dụng song song cả hình thức đăng ký trực tiếp và trực tuyến, song có đến gần 90% số hồ sơ ở cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đăng ký trực tuyến. Tỷ lệ này ở cấp trung học phổ thông đạt gần 100%.
Hình thức tuyển sinh trực tuyến ngày càng được phụ huynh học sinh ủng hộ vì thuận tiện, đơn giản và nhanh gọn, không mất nhiều thời gian và không phải đi lại nhiều lần. Đây là những thuận lợi để ngành Giáo dục Hà Nội quyết tâm tổ chức tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến tại tất cả các trường học từ năm học 2024 - 2025.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.