Năm nay đánh dấu tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ (ngày 4-11-2013) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết thể hiện rõ quan điểm, phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng các thế hệ người Việt Nam đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Thành tựu nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo là đã tập trung hoàn thiện về thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ chú trọng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách và dành nguồn lực thích đáng đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn về số lượng và chất lượng. Phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất và đo lường sự tiến bộ của học sinh.
Nhờ vậy, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên. Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng phát triển. Đáng chú ý, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều thời cơ, vận hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức mới. Trong bối cảnh chung ấy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, ngành Giáo dục và Đào tạo phải sớm khắc phục những hạn chế nội tại đã được chỉ ra. Nổi lên là tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các cấp học và các địa bàn. Mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở các thành phố lớn, khu vực đông dân cư. Tình trạng đạo đức, lối sống xuống cấp, bạo lực học đường vẫn diễn ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đáng quan tâm nữa là chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao…
Cùng với Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong những định hướng quan trọng trong nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Quan điểm quan trọng này một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học 2023-2024 (ngày 18-8), với yêu cầu: “Kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Vì vậy, giáo dục và đào tạo phải luôn gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và đời sống mỗi gia đình.
Với cách tiếp cận như vậy, các bộ, ngành, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo, cần tập trung giải quyết từng bước những tồn tại, hạn chế và bất cập phát sinh. Nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới tư duy trong thiết kế chương trình học tập, bảo đảm phù hợp với truyền thống dân tộc cũng như bối cảnh phát triển đất nước hôm nay; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, tăng cường chất lượng và sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở giáo dục…
Nói đến sự nghiệp giáo dục, chúng ta không thể không nói đến đội ngũ giáo viên. Mang trong mình sứ mệnh “trồng người”, những thầy giáo, cô giáo đang thực hiện một công việc đặc biệt, đòi hỏi kiến thức, sự kiên trì, tấm lòng bao dung, nhân ái. Thực hiện trọng trách cao cả ấy, mỗi người thầy hãy luôn đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết và trách nhiệm vào công việc để khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng không thể thiếu vai trò của bậc phụ huynh. Ông cha ta đã có câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” để nhắn nhủ chúng ta phải luôn tôn trọng, quan tâm, sẻ chia, đồng hành với thầy cô, nhà trường, cùng dạy dỗ con em trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội.
Và hơn hết, khi nói về sự nghiệp trồng người, chúng ta lại nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Lời dạy bảo ý nghĩa ấy chính là tinh thần cốt lõi của nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với mục tiêu tối thượng là hình thành nên lớp lớp chủ nhân tương lai của đất nước vừa “hồng” vừa “chuyên”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.