Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo thế chủ động từ cộng đồng

Minh Ngọc| 30/12/2013 06:35

(HNM) - Những vụ di tích


- Thưa ông, sau khi Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) biến thành tro, đến lượt đền Trung Túc vương Lê Lai thuộc quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa) có nhiều hạng mục quan trọng bị cháy, nhiều người lo ngại cho phố cổ Hội An, nơi có hệ thống di tích kiến trúc gỗ dày đặc. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đúng vậy! Khu phố cổ Hội An luôn phải đối diện với nguy cơ cháy lớn, có thể bị thiệt hại nặng nề do cháy gây ra, bởi Hội An hiện có 1.394 di tích, phần lớn là kiến trúc gỗ. Các kiến trúc này nằm san sát nhau, ở ngay khu vực người dân sinh sống, buôn bán các mặt hàng dễ cháy như vải, tranh ảnh, lồng đèn, hàng lưu niệm... Thậm chí những thứ dễ cháy ấy được bày ngay bên trong di tích nên nguy cơ càng lớn hơn. Ngoài ra, mỗi năm, Hội An có hàng chục lễ hội liên quan đến tín ngưỡng, thu hút đông đảo người dân và du khách. Họ đến các điểm di tích để hương khói, lễ bái. Lễ hội đèn lồng được tổ chức thường xuyên ở Hội An, chỉ cần một chút bất cẩn là đốm lửa nhỏ có thể lan rộng.



- Vậy, chính quyền và nhân dân Hội An đã phòng cháy cho di tích như thế nào, thưa ông?

Trước nguy cơ cháy thường trực, nhiều năm nay các ngành chức năng của TP Hội An đã chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về PCCC cho di tích, đồng thời trang bị đủ phương tiện phòng cháy. Hơn 1.500 tiểu thương ở chợ Hội An đã được tuyên truyền về Luật PCCC qua loa truyền thanh. Hệ thống điện ở đây được chia thành 3 nguồn, gồm nguồn điện kinh doanh, điện chiếu sáng, điện để PCCC, như thế thì dễ quản lý hơn. Khu phố cổ có nét đặc thù là đường nhỏ, ngõ nhỏ, nhà cửa san sát, xe cứu hỏa thường khó đi vào nên thành phố đã đầu tư 3 xe chữa cháy nhỏ (rộng 2m, dài 3m) thường trực để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có cháy. Bên cạnh đó, thành phố đầu tư xây dựng nhiều hầm chứa nước tại di tích, lắp đặt hệ thống bơm, khi có báo cháy, người dân chỉ cần khởi động bơm áp lực, gắn vòi phun, sau một phút là nước từ những hầm chứa được bơm lên để chữa cháy. Ngoài ra, các hộ dân cũng chuẩn bị sẵn bình chữa cháy cá nhân.

Đối với các di tích thuộc sự quản lý của Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nhân viên của trung tâm luôn nhắc nhở du khách đến tham quan không hút thuốc lá bên trong di tích. Chúng tôi thành lập các đội PCCC thường trực, phối hợp với các cơ quan chức năng để lập phương án PCCC. Một kinh nghiệm nữa là trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích, trung tâm yêu cầu các đơn vị thi công phải trang bị đầy đủ phương tiện PCCC, nếu thiếu thì sẽ không được nghiệm thu công trình.

Thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển du lịch di sản văn hóa Hội An đến năm 2020, tầm nhìn 2030, chúng tôi đã có hồ sơ trình Chính phủ dự án PCCC trong di tích. Theo đó, các di tích ở Hội An trong tương lai gần sẽ vừa có hệ thống báo cháy, vừa có hệ thống chữa cháy tại chỗ, khu phố cổ Hội An sẽ có hệ thống cấp nước chữa cháy tương đối hoàn thiện.

- Từ thực tế PCCC di tích ở Hội An, ông đánh giá thế nào về công tác PCCC cho di tích ở nước ta hiện nay?

- Ở nhiều nước trên thế giới, cộng đồng là đối tượng và nguồn lực chính tham gia bảo tồn di sản, trong đó có nội dung quan trọng là PCCC. Còn ở nước ta nói chung, Hội An nói riêng, trách nhiệm và nguồn lực đầu tư cho di tích chủ yếu phụ thuộc vào Nhà nước, người dân chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình. Thực tế đã chứng minh là khi người dân tham gia tích cực vào công tác bảo tồn di tích, dù bằng cách nào đi nữa thì hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng sẽ tăng lên. Với việc PCCC cho di tích, nếu mỗi người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ bằng những việc làm cụ thể như không hút, không vứt tàn thuốc lá trong di tích, hóa vàng mã tại nơi quy định, chủ động trang bị bình cứu hỏa cho gia đình và có kiến thức về PCCC thì sẽ giảm được nguy cơ gây cháy cũng như giảm mức độ thiệt hại khi các vụ cháy xảy ra.

Di tích không chỉ là tài sản văn hóa tinh thần của quốc gia, của thế giới, mà còn là tài sản của người dân, của các thế hệ tương lai. Với những giá trị to lớn ấy, các địa phương, cơ quan chức năng nên dành một phần kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích để phục vụ công tác PCCC cho di tích. Cần chú ý trang bị kiến thức PCCC cho người dân để họ luôn ở thế chủ động trước mọi tình huống.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo thế chủ động từ cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.