Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo sức sống bền lâu

Hoàng Hà| 30/08/2020 06:09

(HNM) - Cũng như nhiều lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã bị ngưng trệ. Dòng chảy từ các nhà hát, khán phòng... đến công chúng yêu nghệ thuật đã bị ách tắc, nghệ sĩ không có cơ hội biểu diễn, còn khán giả cứ phải mong chờ...

Đối phó với dịch Covid-19, nhiều ngành, lĩnh vực đã phải tìm cách để thích nghi. Ví như, ngành Giáo dục đã áp dụng dạy - học trực tuyến; ngành Y tế có mô hình khám, chữa bệnh từ xa; các cuộc họp trực tuyến của các cấp, các ngành... đều được đẩy mạnh. Trong sự thay đổi chung ấy, lĩnh vực nghệ thuật cũng không đứng ngoài cuộc và hiện đã có những đổi mới phù hợp - đó là biểu diễn trực tuyến.

Tuy các hoạt động biểu diễn trực tuyến chưa được thực hiện đồng loạt, nhưng bước đầu đã có những chương trình được thực hiện thành công. Nhiều đơn vị nghệ thuật đã xây dựng các địa chỉ trên kênh Youtube, Facebook để phục vụ khán giả. Và trong môi trường biểu diễn mới này, các nghệ sĩ cũng như khán giả đều có những cung bậc cảm xúc mới.

Dù có những biến chuyển đáng mừng, song việc triển khai mô hình nhà hát trực tuyến ở nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu làm đơn lẻ, các nhà hát sẽ phải đầu tư lớn kinh phí cho hạ tầng, mua sắm trang thiết bị; trong khi đó, khán giả lại chưa có thói quen trả tiền khi thưởng thức các chương trình nghệ thuật trực tuyến.

Khó khăn hiện hữu đang ở phía trước, song đây là lựa chọn không thể khác để đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp xu thế của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi nếu làm tốt, mô hình nhà hát trực tuyến không chỉ mang lại hiệu quả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp mà còn có sức sống bền lâu, giúp đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, từ đó thu hút họ đến với các buổi biểu diễn trực tiếp nhiều hơn.

Thế nên, việc xây dựng mô hình này cần được các cấp, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể. Trong đó cần xem xét có chính sách hỗ trợ các đơn vị biểu diễn nghệ thuật về trang thiết bị, kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu; đồng thời xây dựng nền tảng trực tuyến dùng chung nhằm giảm chi phí, giúp công chúng dễ tiếp cận với các loại hình nghệ thuật.  

Đương nhiên, để các mô hình này có sức sống mạnh mẽ, nguồn nuôi dưỡng ắt hẳn phải là những sản phẩm nghệ thuật chất lượng. Các đơn vị biểu diễn nghệ thuật cần nghiên cứu ưu, nhược điểm của biểu diễn trực tuyến, từ đó phát triển sản phẩm phù hợp, thu hút khán giả.

Muốn làm được điều đó đòi hỏi yếu tố chuyên nghiệp của các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, bên cạnh sự hỗ trợ, bản thân các đơn vị phải chủ động đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ tiên tiến. Cùng với đó là xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. Còn với các diễn viên, nghệ sĩ, luôn phải “cháy hết mình” trên sân khấu dù yếu tố tương tác trực tiếp từ phía khán giả đã hạn chế và thay đổi ở hình thức ẩn hơn dưới dạng bình luận hay các biểu tượng cảm xúc trên môi trường mạng. 

Khán giả là một phần chính để nuôi sống các nhà hát trực tuyến. Do vậy, khán giả cũng cần ứng xử văn hóa, đúng quy định pháp luật thông qua việc chỉ xem các chương trình biểu diễn có bản quyền, trả phí cho những lao động nghệ thuật chân chính của các nghệ sĩ.

Mô hình nhà hát trực tuyến có sức hút riêng, sẽ là kênh bổ trợ hiệu quả cho biểu diễn trực tiếp. Do đó, nếu mô hình trực tuyến có sức sống bền lâu, nghệ thuật biểu diễn ở nước ta sẽ phát triển ngày càng đồng bộ, khán giả có thêm những lựa chọn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo sức sống bền lâu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.