Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo sức hút từ nét thanh lịch của người Hà Nội

Khánh Linh| 06/06/2019 11:05

(HNMCT) - Lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội gia tăng nhưng môi trường du lịch Thủ đô vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Vấn nạn


Cần phải làm gì để trả lại môi trường du lịch an toàn, thân thiện, phát huy những nét đẹp văn hóa của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến? Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội về vấn đề này.


- Là một người công tác lâu năm trong ngành Du lịch, bà có cho rằng ứng xử văn minh, tạo môi trường du lịch thân thiện, an toàn là một yếu tố quan trọng để thu hút du khách hay không?


- Ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là một phần quan trọng trong việc thu hút khách quốc tế, đồng thời quyết định việc du khách có muốn quay lại lần sau hay không. Bởi sự hấp dẫn của cảnh quan, danh thắng, di tích của điểm đến chỉ là bề nổi bên ngoài, còn cái ở lại lâu nhất trong lòng du khách chính là yếu tố con người, là văn hóa, cách ứng xử của người dân bản địa với bạn bè quốc tế.

Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, là mảnh đất giàu truyền thống thanh lịch, nên bản thân nó đã chứa đựng nhiều tầng sâu văn hóa, đặc biệt văn hóa ứng xử từ lâu nay được nhắc đến là sự thanh lịch văn minh. Do đó, vấn đề xây dựng văn minh du lịch cần được chú trọng nhiều hơn nhằm nâng cao hình ảnh của Hà Nội, đồng thời tăng sức hút cho du lịch Thủ đô.

- Thời gian qua thành phố Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng văn minh du lịch. Tuy nhiên, không ít hành vi ứng xử kém văn minh với du khách quốc tế vẫn tồn tại ở nhiều lúc, nhiều nơi. Theo bà nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

- Tình trạng “chặt chém”, chèo kéo du khách là một thực tế đáng buồn ở Thủ đô. Chính quyền và các ngành chức năng của thành phố đã rất quyết tâm và triển khai nhiều biện pháp để dẹp bỏ vấn nạn này, nhưng quả thực vẫn chưa xử lý hết được. Nguyên nhân là bởi số lượng người di cư tự do vào Hà Nội ngày càng đông, dưới nhiều dạng nên công tác quản lý chưa thật chặt chẽ. Thêm vào đó, các đối tượng ngày càng tinh vi, "thoắt ẩn thoắt hiện", tìm mọi cách để qua mặt cơ quan chức năng, trong khi chúng ta vẫn chưa có một giải pháp thấu đáo hay chế tài đủ mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng này. Thực tế nếu có bị phát hiện, bắt quả tang vi phạm thì các đối tượng chỉ bị phạt hành chính với mức khá thấp nên ngay sau đó họ lại tiếp tục vi phạm. Thiệt hại về mặt tài chính của du khách có thể không nhiều nhưng hậu quả mà nó mang lại rất to lớn, đặc biệt là thực trạng này khiến du khách quốc tế hiểu sai về văn hóa, ứng xử của người dân Thủ đô.

- Vậy, theo bà cần phải làm gì để bên cạnh mục tiêu kinh doanh, người làm du lịch phải có ý thức, trách nhiệm, lòng tự trọng, tự tôn dân tộc trong việc thể hiện hình ảnh con người Hà Nội đến với bạn bè quốc tế?

- Để ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng nêu trên cần sự vào cuộc của rất nhiều ban, ngành chức năng chứ không riêng gì ngành Du lịch. Đó phải là trách nhiệm liên ngành, từ an ninh, trật tự xã hội cho đến quản lý văn hóa, thương mại..., cùng với sự vào cuộc rốt ráo, quyết liệt của chính quyền địa phương nhằm mang lại hình ảnh đẹp cho môi trường du lịch Thủ đô. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng làm du lịch ở Hà Nội, giúp mọi người đều hiểu rằng, để lại ấn tượng xấu cho du khách trước tiên là ảnh hưởng đến sinh kế của bản thân, đồng thời làm xấu hình ảnh Hà Nội trong bạn bè quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển chung của Thủ đô. Các quận, huyện có những danh thắng, di tích thu hút đông khách du lịch quốc tế cần tuyên truyền cho người dân hoặc đưa ra những quy tắc ứng xử cho công dân của mình, để họ ý thức rõ trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống thanh lịch văn minh, nếp sống văn hóa của người Hà Nội.

Mỗi công dân Thủ đô đều phải ý thức được mình là một “đại sứ du lịch".


Thời gian qua, việc đẩy mạnh tuyên truyền Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại các công ty lữ hành được đánh giá là kịp thời, tạo hiệu quả tốt. Hầu hết các công ty du lịch đều hưởng ứng và có những hoạt động tuyên truyền, đào tạo cho chính nhân sự của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thành phố cần ban hành chế tài cụ thể, chi tiết, xử lý nghiêm những hành vi chèo kéo, “chặt chém” khách du lịch. Nếu chúng ta phát huy được sức mạnh của cộng đồng thì chắc chắn vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để.

- Bà đánh giá thế nào về vai trò của mỗi công dân Thủ đô đối với việc quảng bá “thương hiệu văn hóa người Hà Nội” thông qua các hoạt động du lịch?


- Du lịch không chỉ ngành "công nghiệp không khói" mang ý nghĩa kinh doanh đơn thuần mà nó còn là lĩnh vực hội tụ văn hóa, văn minh, là một trong những phương thức quan trọng xây dựng hình ảnh đẹp về đất nước, con người của từng quốc gia. Khi đi du lịch ở bất cứ đâu, bên cạnh những cảnh quan, di tích mọi người thường nhắc đến sự thân thiện, ứng xử văn minh của người dân nơi đó. Vì thế, vai trò của người dân Hà Nội đối với việc giữ gìn cũng như quảng bá hình ảnh của Thủ đô là rất quan trọng. Đặc biệt, với thành phố mang thương hiệu hào hoa thanh lịch, bản thân mỗi công dân phải ý thức được điều đó và hiểu rằng mình chính là một “đại sứ du lịch”.

Khi đã ý thức được như vậy, họ sẽ tự giác thể hiện bằng những hành động văn minh, ứng xử văn hóa như xếp hàng trật tự, nói lời hay, cử chỉ đẹp, không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, không chèo kéo làm phiền du khách... Từ đó mỗi công dân Thủ đô sẽ trở thành một hình ảnh về con người thanh lịch, văn minh, tạo sức hút đối với du khách, và đó cũng chính là cách quảng bá văn hóa Hà Nội đến với bạn bè quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sức hút từ nét thanh lịch của người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.