(HNM) - Hai tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh. Với những bất ổn về chính trị và kinh tế trên thế giới, dự báo xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó, các doanh nghiệp cần khai thác tiềm năng từ các thị trường mới để tạo sức bật ở những tháng tiếp theo.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm
Theo Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 6,28 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi Trung Quốc mở cửa, thị trường này trở lại là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất, đạt giá trị 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần); thứ hai là Hoa Kỳ khoảng 1,19 tỷ USD (chiếm 19%); thứ ba là Nhật Bản đạt 563 triệu USD (chiếm 9%)...
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, xuất khẩu nông sản vẫn đang duy trì tốt ở các thị trường truyền thống và thị trường lớn. Tuy nhiên, những bất ổn về kinh tế, chính trị và sự thay đổi về chính sách sản xuất của nhiều nước khiến một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam mất đi lợi thế. Trong tháng 2-2023, có hàng chục mặt hàng nông sản Việt Nam giảm giá trị xuất khẩu. Điển hình là cà phê đạt 703 triệu USD (giảm 14,6%), gạo 417 triệu USD (giảm 10,8%), hạt điều 327 triệu USD (giảm 14,3%), cá tra 133 triệu USD (giảm 64,1%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,61 tỷ USD (giảm 34,8%)… Đây đều là nhóm hàng có thế mạnh và giá trị cao của nông sản Việt Nam trong những năm qua.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sao Nam Đỗ Thị Kim Loan, Hoa Kỳ là thị trường chính, chiếm khoảng 90% lượng xuất khẩu của công ty, nhưng nhu cầu từ quốc gia này tiếp tục giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2023, khiến lượng đơn hàng chỉ đạt khoảng 60-65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ động khai thác thị trường mới
Mặc dù ghi nhận sự sụt giảm từ một số mặt hàng, song nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam lại đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm nay, nhóm rau quả đạt 592 triệu USD (tăng 17,8%); sắn và sản phẩm từ sắn đạt 283 triệu USD (tăng 32,7%), sữa và sản phẩm từ sữa đạt 16,2 triệu USD (tăng 10,2%)…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đối với nhóm hàng đang giảm, các doanh nghiệp cần chủ động khai thác các thị trường mới, nắm bắt những bất ổn của các thị trường truyền thống để có những điều chỉnh phù hợp. “Đối với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu trái cây - những loại quả đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, hay mặt hàng thủy sản, gạo…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, đối với các mặt hàng đang có lợi thế, cần đẩy mạnh xuất khẩu để bù cho những nhóm hàng đang gặp khó. “Với việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả rất thuận lợi, tiết kiệm được nhiều chi phí. Hàng hóa không chỉ xuất khẩu được nhiều hơn, thông quan nhanh hơn, chất lượng sản phẩm bảo đảm hơn mà hiệu quả đem lại chắc chắn cao hơn năm 2022. Dự báo, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD, nên các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Ngoài vấn đề nhóm ngành hàng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường để chia nhỏ các phân khúc ở những thời điểm thuận lợi hoặc bất lợi. Là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong xuất khẩu gỗ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sao Nam Đỗ Thị Kim Loan cho biết, ngay sau khi thị trường Hoa Kỳ chững lại, công ty đã tìm kiếm các thị trường khác, như: Australia, Canada… để bù đắp phần nào lượng hàng sụt giảm.
Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch và trình Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định quản lý thương hiệu nông sản quốc gia Việt Nam. Từ việc nắm bắt thị trường trong và ngoài nước, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp để cân đối cung - cầu. “Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương kiểm tra và cấp mã vùng trồng cho các vùng đủ điều kiện để tạo nguồn hàng ổn định, đáp ứng yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin.
Liên quan đến vấn đề thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan chức năng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại các nhóm, ngành hàng nông sản. Bộ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đa dạng các thị trường; tiếp tục hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.