Thời gian qua, kinh tế toàn cầu có nhiều biến động do xung đột địa chính trị phức tạp và bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng, song xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường thế giới.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 đạt 33,84 tỷ USD (tăng 15,5% so với cùng kỳ), thặng dư thương mại đạt gần 10 tỷ USD. Ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ cột của nền kinh tế, là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng chung giữa “sóng gió” thương mại toàn cầu.
Nhìn tổng thể, có thể thấy, xuất khẩu nông sản của nước ta không chỉ tăng về lượng. Nhiều nhóm ngành hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, trái cây, cá tra, tôm… còn tăng mạnh về giá trị. Đặc biệt, xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm là con số kỷ lục từ trước tới nay, không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường lúa gạo thế giới mà còn thể hiện hiệu quả của chính sách điều hành sản xuất, xuất khẩu nông sản có trọng tâm, trọng điểm. Lĩnh vực chăn nuôi với tổng đàn lợn đứng thứ 5 thế giới cho thấy, tiềm năng mở rộng sản lượng, hướng đến các thị trường cao cấp, nếu kiểm soát tốt chất lượng con giống, dịch bệnh và an toàn sinh học. Xuất khẩu thủy sản cũng đạt khá với 4,6 triệu tấn, bằng 50% kế hoạch năm…
Mặc dù có một khởi đầu đầy thuận lợi, hành trình chinh phục mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 70 tỷ USD trong năm 2025 được dự báo sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là giữa bối cảnh tình hình thế giới dự kiến còn nhiều biến động. Để hiện thực hóa con số này, không thể chỉ trông chờ vào yếu tố “thiên thời”, mà cần tiếp tục chủ động “đón đầu” xu hướng tiêu dùng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực chế biến sâu, phát triển sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý và thương hiệu quốc gia. Ngành Nông nghiệp đã và đang là “bệ đỡ” quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam cũng cần nỗ lực hơn nữa, mạnh dạn thay đổi mô hình cũ, thay tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ bằng liên kết chuyên nghiệp, bền vững...
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, dựa trên 3 trụ cột: Khoa học công nghệ, môi trường và công bằng xã hội. Điều này không chỉ thể hiện ở việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, tự động hóa trong sản xuất và chế biến nông sản mà còn ở định hướng sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Thực tế cho thấy, những lô gạo, trái cây, thủy sản đạt tiêu chuẩn “carbon thấp”, hữu cơ hoặc đạt chứng chỉ quốc tế đang chiếm ưu thế trên các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ...
Bên cạnh mở rộng thị trường, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế là một yêu cầu mang tính "sống còn" đối với nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ chế biến sâu và đa dạng hóa thị trường. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục định hướng phát triển ngành Nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả trong việc giải quyết các rào cản kỹ thuật, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Trong đó, trọng tâm là mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, khai thác tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, cả song phương và đa phương. Với sự chung sức đồng lòng này, mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 70 tỷ USD trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.