(HNM) - Mặc dù TP Hà Nội đặt yêu cầu cao và chặt chẽ hơn một số địa phương khác về việc chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài, song nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng lựa chọn Hà Nội để triển khai dự án.
Nhằm tăng sức hấp dẫn, đẩy mạnh thu hút đầu tư, Hà Nội đã chủ động tạo quỹ đất "sạch" trong các khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao với cơ sở hạ tầng khá đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay một số nơi vẫn còn gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Một góc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. |
Vẫn còn những vướng mắc
Thành phố đã quy hoạch 7 KCN, khu công nghệ cao và đang tiếp tục mở rộng, xây dựng hoàn thành nhiều hạng mục. Trong đó, KCN hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên có quy mô 640ha, đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn I (72ha). Đây là KCN - đô thị chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam, nên đã nhận được nhiều ưu đãi của thành phố và Chính phủ khi được phép huy động nguồn vốn trong nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng và hưởng những ưu đãi riêng về thuế, giá thuê đất… Tuy nhiên, sau gần 3 năm xây dựng Hanssip giai đoạn I, chủ đầu tư là Công ty N&G Corp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện hệ thống hạ tầng trong, ngoài hàng rào KCN. Theo báo cáo của N&G Corp, các hạng mục cấp thoát nước, đường giao thông, điện, cây xanh… đã cơ bản hoàn thành, nhưng công tác san nền vẫn chưa đạt kế hoạch do khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu và vận chuyển. Thực tế cho thấy, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào như giao thông, hệ thống thoát nước chưa được triển khai cùng với việc xây dựng KCN đã dẫn tới không đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
Huyện Mê Linh hiện có 4 KCN, gồm Quang Minh 1, 2; Kim Hoa; Tiến Thắng. Trong đó, KCN Quang Minh 1 mở rộng có diện tích 408ha đến nay đã thu hút được 154 dự án trong và ngoài nước (tỷ lệ lấp đầy đạt 80%). Tuy nhiên, hiện còn một số hạng mục chưa hoàn thành do người dân không nhận tiền đền bù, GPMB. KCN Quang Minh 2 có diện tích 266ha, thu hút 48 dự án, dự kiến sẽ giải tỏa mở rộng mặt bằng thêm 20ha. KCN Kim Hoa có 16ha đất phát triển công nghiệp chưa triển khai đầu tư, GPMB… Ngoài ra, còn các KCN sạch Sóc Sơn, Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, khu công nghệ cao sinh học, KCN Bắc Thường Tín cũng đang tiếp tục được hoàn thiện…
Khẩn trương hoàn thiện mặt bằng
Năm 2015, TP Hà Nội phấn đấu thu hút đầu tư 1,3-1,5 tỷ USD, trong đó thu hút ngoài các KCN và chế xuất dự kiến là 900 triệu USD; trong KCN là 450 triệu USD. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, nhằm thu hút các nhà đầu tư, thành phố tiếp tục có nhiều cơ chế hỗ trợ về thủ tục, đất đai, vốn vay ưu đãi, cũng như hoãn, giãn nộp một số loại thuế cho một số DN khó khăn. Thành phố cũng chủ trương đẩy mạnh gọi đầu tư xây dựng các dự án khu, cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, nhằm thu hút các chủ đầu tư xây dựng các dự án khu, cụm công nghiệp đồng bộ hạ tầng, tạo mặt bằng cho DN đầu tư xây dựng nhà máy, phát triển sản xuất.
Tại buổi làm việc với UBND các huyện Phú Xuyên, Mê Linh mới đây, sau khi nghe ý kiến của đại diện huyện và các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Công thương…, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã đồng ý với kiến nghị xây dựng hệ thống mương tiêu thoát nước ngoài hàng rào KCN và khu vực dân cư địa phương; thống nhất cải tạo, tận dụng lại hệ thống ao, hồ làm nơi tích nước điều hòa, tiêu thoát nước cho KCN và một phần đáp ứng nhu cầu dân sinh trong khu vực. Riêng vướng mắc về đường nhánh nối QL1A và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua KCN, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng đường nhánh nối đoạn qua KCN khoảng 700m, từ đó tạo điều kiện cho Công ty N&G Corp hoàn thiện mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, yêu cầu các ngành chức năng nghiên cứu bố trí nguồn vốn, phối hợp với chủ đầu tư để sớm hoàn chỉnh các hạng mục còn lại, qua đó tạo mặt bằng thu hút các DN sản xuất linh phụ kiện đầu tư vào KCN này.
Đối với huyện Mê Linh, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, các sở, ngành liên quan cần phối hợp đồng bộ với huyện trong việc xây dựng quy hoạch các KCN và đô thị; đẩy nhanh tiến độ GPMB 20ha còn lại tại KCN Quang Minh 2. Sở Tài chính đẩy nhanh việc cung cấp vốn hỗ trợ KCN Quang Minh 1 hoàn chỉnh hạ tầng, xây đường gom KCN với đường Võ Văn Kiệt; đầu tư, đấu nối đường KCN Quang Minh 1 với KCN Quang Minh 2 đoạn cuối xã Tiền Phong - Quang Minh... Về vấn đề xử lý nước thải, huyện Mê Linh và Ban Quản lý các KCN - Khu chế xuất Hà Nội yêu cầu các DN đấu nối với hệ thống xử lý nước thải, ngăn chặn nạn xả thải gây ô nhiễm môi trường. Các ngành cũng nghiên cứu, hỗ trợ huyện xây dựng hồ điều hòa để dự trữ nước cho KCN, xây dựng hồ chứa cho công tác trữ nước thải khi thải ra môi trường, đồng thời phục vụ tốt việc phòng cháy chữa cháy...
Thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài. Cùng với sự chủ động trong tạo quỹ đất "sạch", Hà Nội sẽ có thêm nhiều mặt bằng cho các DN đầu tư mới, mở rộng sản xuất, cũng như di dời nhà máy từ nội thành ra địa điểm phù hợp quy hoạch nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.