(HNMO) - Việc các cơ quan nhà nước vào cuộc xử lý hàng nghìn website liên quan đến lừa đảo, giả mạo và có các biện pháp an toàn thông tin đã giúp doanh nghiệp, tổ chức tạo lập niềm tin số của người sử dụng dịch vụ trực tuyến...
Tọa đàm cấp cao lãnh đạo công nghệ thông tin và an toàn thông tin với chủ đề "Nâng cao năng lực ứng phó thách thức an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới" diễn ra hôm nay (9-9), theo hình thức trực tuyến. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, an toàn, an ninh mạng là một ưu tiên trong các chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Chỉ số xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI 2020 của Việt Nam, từ vị trí 50 vươn lên vị trí 25 (do Liên minh Viễn thông thế giới công bố tháng 6-2021).
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu rõ, bên cạnh những thuận lợi, quá trình chuyển đổi số có một số rào cản khó khăn. Một trong những rào cản quan trọng chính là "niềm tin số" - bao hàm cả sự an toàn và tin cậy. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất đối với những người làm an toàn, an ninh mạng trong giai đoạn này là củng cố, tạo niềm tin số cho xã hội khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng, từ đó thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển.
Về các giải pháp an toàn thông tin, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, cần có sự liên kết giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức (cung cấp dịch vụ trên môi trường số; sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin) trong việc tạo dựng niềm tin số cho người dùng. Thực tế, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng rất mạnh trong 4 tháng gần đây và trung tâm đã xử lý hàng nghìn website liên quan đến lừa đảo, giả mạo các dịch vụ trực tuyến của ngân hàng, sàn thương mại điện tử... Và khi cơ quan nhà nước vào cuộc giúp xử lý, xác minh và có các biện pháp an toàn thông tin đã giúp doanh nghiệp, tổ chức tạo lập niềm tin số của người sử dụng dịch vụ trực tuyến...
Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia là lãnh đạo công nghệ thông tin của các đơn vị: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn như: EVN, Viettel, MobiFone, Vietcombank... cùng trao đổi, chia sẻ về tình hình an ninh mạng cũng như kinh nghiệm triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống của mình.
Trong đó, đại diện Công ty An ninh mạng Viettel giới thiệu Nền tảng điều phối, tự động hóa và phản ứng an ninh mạng, giúp tối ưu nguồn lực, giảm tải trong vận hành và điều phối sự cố an toàn thông tin mạng, tích hợp và điều phối các giải pháp an toàn thông tin đơn lẻ khác trên một nền tảng duy nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.