Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cung cấp 17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp liên quan đến ngành Xây dựng.
Đó là thông tin được Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại buổi họp báo công bố thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với ngành Xây dựng tại Trung tâm Báo chí thành phố chiều 4-10.
Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trong 9 tháng năm 2023, Sở Xây dựng đã tiếp nhận 13.276 hồ sơ theo hình thức trực tuyến, trong đó đã giải quyết 12.467 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn 809 hồ sơ.
Hiện nay, Sở Xây dựng đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính, bao gồm 17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình và 5 thủ tục hành chính trực tuyến một phần trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính thành phố tại địa chỉ https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/vi.
Cụ thể, 17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình gồm 3 lĩnh vực: Vật liệu xây dựng, hoạt động xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
Trong đó, thủ tục thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng được thực hiện dịch vụ công trực tuyến như cấp chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, III của cá nhân người nước ngoài; cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lần đầu hạng II, hạng III; cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng lần đầu hạng II, hạng III; cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, hạng III (trường hợp cá nhân nộp hồ sơ khi đã có kết quả sát hạch)…
Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng sẽ áp dụng trực tuyến thủ tục công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Theo Sở Xây dựng, việc thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến hay một phần lâu nay đã được triển khai, tuy nhiên còn phụ thuộc 2 yếu tố là chữ ký số và chứng thực điện tử cũng như các thao tác tra cứu vào phần mềm dịch vụ để nộp hồ sơ, nộp lệ phí. Đây là 2 thủ tục giúp người dân có thể ở tại nhà và thực hiện thủ tục dịch vụ công toàn trình.
Trước đây, người dân phải đến trực tiếp nộp tiền mặt, nhưng hiện nay, người dân có thể nộp lệ phí trực tuyến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.