Kinh tế

Thực phẩm giả trên môi trường mạng: Tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi

Lam Giang 17/07/2024 - 14:46

Bảo đảm an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử luôn nảy sinh nhiều thách thức, nhất là hiện nay, gia tăng tình trạng thực phẩm giả với tính chất ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Thông tin trên được ghi nhận tại hội thảo “Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17-7 tại Hà Nội.

Xu hướng tiêu dùng hiện đại

Những năm qua, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Theo ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương, với thu nhập ngày càng cao, nhu cầu đầu tư cho sức khỏe của người tiêu dùng tăng nhanh, người tiêu dùng sẵn sàng trả chi phí cao hơn để có được những sản phẩm thực phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe.

Các diễn giả tham gia hội thảo. Ảnh: Lam Giang

Trong khi đó, sản xuất trong nước đang phát triển cả về chất lượng, số lượng đem đến sản phẩm thực phẩm phong phú về chủng loại, thân thiện với môi trường. Các kênh phân phối cũng đang được phát triển đa dạng và hiện đại, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng hơn trong việc mua sắm các loại nông sản, thực phẩm theo nhu cầu.

“Với những đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng các loại nông sản, thực phẩm được đưa vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại được rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng chọn lựa là nơi mua bán sản phẩm an toàn uy tín”, ông Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc Thương mại ngành hàng, Tập đoàn Central Retail (quản lý hệ thống siêu thị BigC, GO, Top Market) cho biết, hệ thống phân phối này đang tiêu thụ khoảng 30.000 sản phẩm, trong đó có rất nhiều thực phẩm xanh, an toàn với sức tiêu thụ ngày càng tăng. “Về phía người dùng đã có nhiều thay đổi rõ nét, không chỉ lựa chọn sản phẩm xanh, an toàn mà còn tham gia các hoạt động hưởng ứng tiêu dùng xanh để bảo vệ môi trường”, bà Mai Phương nói.

Ông Park Chang Lyul, Giám đốc Vận hành LotteMart Việt Nam cho biết, siêu thị này phân phối hơn 100.000 mặt hàng các loại, trong đó hơn 80% là hàng Việt Nam. Đây là các loại hàng hóa, thực phẩm, các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP,… nhập trực tiếp từ các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam, cùng các nhãn hàng riêng của LotteMart được sản xuất và gia công tại Việt Nam.

Đáng chú ý trong đó các mặt hàng tươi sống bày bán tại hệ thống siêu thị LotteMart đều phải đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, và phải trải qua quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ từ khâu đầu vào đến khâu trưng bày trên quầy, lấy mẫu định kỳ hoặc ngẫu nhiên để kiểm tra.

Tăng cường quản lý thực phẩm trên môi trường mạng

Với nỗ lực từ các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp, thực phẩm an toàn ngày càng được phân phối rộng khắp cung cấp tới người tiêu dùng sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, vấn nạn hàng giả nói chung và thực phẩm giả nói riêng tuy đã được tăng cường kiểm tra, giám sát song vẫn diễn biến phức tạp.

Ông Công nhấn mạnh tới sự gia tăng hàng giả và thực phẩm giả trên môi trường thương mại điện tử với tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, xử phạt.

hang-gia.jpg
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường mở phòng trưng bày thực phẩm giả nhằm hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết thực phẩm giả. Ảnh: Q.L

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong tổng số 50.334 website thương mại điện tử bán hàng đã được xác nhận thông báo, có khoảng 5.669 website có bán thực phẩm, đồ uống (chiếm 11%), 1.423 website kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm chức năng (3%) và 234 website cung cấp dịch vụ ăn uống, ẩm thực đến người tiêu dùng (chiếm 0,46%).

Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng ghi nhận trong tổng số 726 sàn giao dịch thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký, có 217 sàn cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác lên bán các sản phẩm là thực phẩm, đồ uống (chiếm 30%), 49 sàn có đăng tải thông tin là các sản phẩm thực phẩm chức năng (chiếm 7%) và 19 sàn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, ẩm thực (chiếm 3%).

Theo bà Hà, cũng như mọi loại hàng hóa, hoạt động kinh doanh thực phẩm qua thương mại điện tử rất phức tạp, khó kiểm soát. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác rà soát, phối hợp ngăn chặn và xử lý vi phạm. Kết quả, năm 2023 đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các sàn đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và đã gỡ gần 400 sản phẩm.

Để đẩy mạnh quản lý thực phẩm trên môi trường mạng, ông Thân Đức Công cho biết thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa đơn vị chức năng, nhất là các sàn thương mại điện tử, về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo bằng nhiều phương thức khác nhau đến người tiêu dùng về an toàn thực phẩm giả. “Các doanh nghiệp cần đồng hành, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng để chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu của chính mình và xử lý triệt để những đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm giả”, ông Công nêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm giả trên môi trường mạng: Tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.