(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 2352/UBND-KT về việc đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố; trong đó tập trung phổ biến rộng rãi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; vận động các hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi thành doanh nghiệp…
Dư luận cho rằng, chính sách này không chỉ tạo động lực thúc đẩy thành lập mới doanh nghiệp mà còn củng cố niềm tin để cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước vượt qua khó khăn của đại dịch.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn:
Triển khai chính sách hỗ trợ theo đúng quy định
Đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới là hết sức cần thiết để khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phổ biến rộng rãi chính sách “Hỗ trợ kinh phí chứng thực một chữ ký số và kinh phí cài đặt phần mềm, kèm gói 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới” đến tất cả các doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới.
Sở cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân không gây khó khăn, cản trở, ảnh hưởng đến việc triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với đơn vị đã trúng thầu triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới theo đúng các quy định của pháp luật để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng:
Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp
Xác định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế nên huyện tập trung chỉ đạo đề cao việc khởi nghiệp, thành lập mới doanh nghiệp để chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới năng suất, chất lượng cao.
Trước mắt, huyện tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa để góp phần thực hiện các chỉ tiêu tạo 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động. Huyện cũng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thúc đẩy hộ kinh doanh đăng ký hoạt động, chuyển đổi thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Phó Giám đốc Công ty Du lịch Sắc Việt (quận Hoàn Kiếm) Đặng Linh Chi:
Tạo động lực khôi phục, phát triển kinh tế
Đại dịch đã cho những doanh nhân như tôi mở ra những hướng kinh doanh mới. Việc thành phố có chính sách vận động, khuyến khích các hộ kinh doanh thực hiện đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp là rất cần thiết; vừa tạo điều kiện nâng tầm quy mô cho hộ kinh doanh, vừa thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước.
Nếu trước đây, doanh nghiệp thành lập mới còn e dè, bỡ ngỡ trước những thủ tục hành chính rườm rà, thì nay họ đã được “cởi trói” và tạo điều kiện thuận lợi tối đa để đi vào hoạt động. Đây là việc cần thiết và nên duy trì với cả các doanh nghiệp thành lập mới cũng như doanh nghiệp đang hoạt động, tạo động lực góp phần khôi phục, phát triển kinh tế của Thủ đô cũng như đồng hành cùng Nhà nước vượt qua khó khăn của đại dịch.
Bà Nguyễn Thị Luyến, phường Đức Giang (quận Long Biên):
Khuyến khích những doanh nhân quyết tâm khởi nghiệp
Có thể nói, chúng ta đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh. Trước tình hình này, thành phố Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác phải thực hiện giãn cách xã hội. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do đại dịch, bao gồm các gói hỗ trợ về tín dụng, an sinh xã hội, chính sách…
Việc thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh việc triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ kinh doanh như chúng tôi quyết tâm chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh đại dịch, để góp phần thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Huy Phượng, phường Quang Trung (quận Hà Đông):
Hành trang để tự tin bước vào thương trường
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần này, số doanh nghiệp gặp khó khăn tăng cao, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra những cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tận dụng được thời cơ, tìm hướng đi phù hợp, thích nghi với nhu cầu thị trường cũng như hoàn thành mục tiêu kinh doanh.
Bên cạnh việc nắm bắt các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số, chuyển từ hình thức kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử của các doanh nghiệp thành lập mới, việc được chính quyền và cơ quan quản lý hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính là hành trang thuận lợi để những người khởi nghiệp kinh doanh tự tin bước vào thương trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.