Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nguồn nhân lực, mở khung pháp lý

Duy Biên| 16/05/2018 06:40

(HNM) - Thương mại điện tử từ lâu đã không còn xa lạ với người dân, đặc biệt là ở đô thị, bởi giúp tiết kiệm thời gian, giao dịch thuận tiện và chi phí tối ưu. Trong khi đó, cách mua bán truyền thống đòi hỏi phải giới thiệu sản phẩm tận nơi, có thể mất hàng tháng mới đến được thị trường mong muốn, điều này dẫn đến chi phí sản phẩm tăng cao và có thể ảnh hưởng tới chất lượng.


Điều dễ nhận thấy nhất hiện nay ở Việt Nam là sự xuất hiện những website có hàng trăm nghìn lượt truy cập mỗi ngày, trở thành những “sàn” giao dịch thương mại điện tử uy tín, được nhiều doanh nghiệp tin tưởng và lựa chọn làm kênh giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm. Khi thông qua các “sàn” giao dịch thương mại điện tử uy tín, doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận các cơ hội kinh doanh, không kể khoảng cách không gian và thời gian một cách nhanh nhất.

Trong xu thế chung đó, đáng mừng là thị trường thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội nói riêng đã có sự chuyển mình rõ rệt, với doanh thu cả năm 2017 đạt 36.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (tăng 2% so với năm 2016). Lũy kế đến tháng 5-2018, có tổng số 7.726 website/ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân đã thông báo/đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố. Trong đó, công tác quản lý và phát triển thương mại điện tử đã triển khai trong các lĩnh vực: Ứng dụng thuế điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; ứng dụng mã hình QR in trên tem chống giả, tem xác thực...

Thực tế cho thấy, tiềm năng của thương mại điện tử ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là rất lớn. Ðể thương mại điện tử phát triển bền vững, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các khung khổ pháp lý và cơ chế chính sách phù hợp cho loại hình này. Trong đó tập trung khuyến khích và thu hút đầu tư của xã hội, đầu tư tư nhân nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử. Cùng với đó là tăng cường chính sách khuyến khích phát triển các thị trường tiềm năng ứng dụng thanh toán điện tử như thị trường giao thông vận tải, logistics… Các doanh nghiệp và các sàn giao dịch thương mại điện tử cần tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử cho khách hàng. Với các sàn giao dịch thương mại điện tử cần tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, có biện pháp ngăn chặn, xử phạt các doanh nghiệp bán hàng giả, hàng nhái…

Để phát triển thương mại điện tử phải có nguồn nhân lực phù hợp là con người có trình độ tương ứng, do đó cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thương mại điện tử, về kinh tế thị trường, ngoại ngữ và pháp luật cho đội ngũ lao động trực tiếp tham gia hoạt động này. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng phổ biến thông tin, kiến thức để người tiêu dùng nắm đặc điểm, kỹ thuật của thương mại điện tử.

Thương mại điện tử là kết quả tất yếu của sự phát triển kỹ thuật số hóa và công nghệ thông tin. Do đó, hạ tầng công nghệ phải bảo đảm tính hiện hữu, nghĩa là phải có một hệ thống các chuẩn của doanh nghiệp, của quốc gia và các chuẩn này phải phù hợp với quốc tế. Các tiêu chuẩn này gắn với hệ thống các cơ sở kỹ thuật và thiết bị ứng dụng của quốc gia như một phân hệ của hệ thống mạng toàn cầu.

Mặc dù xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu, nhưng thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững, rất cần tạo sự minh bạch, an toàn và tạo thành thói quen trong thanh toán điện tử cho người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo nguồn nhân lực, mở khung pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.