Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nguồn lực phát triển Thủ đô

Mai Hữu| 03/04/2023 06:20

(HNM) - Ngay từ những tháng đầu của năm 2023, thành phố Hà Nội đã thể hiện quyết tâm triển khai đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ này sẽ góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Thành phố Hà Nội đang tập trung cải cách hành chính, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Nhật Nam

Quản lý, khai thác hiệu quả tài sản công

Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của UBND thành phố Hà Nội đã xác định, một trong các nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh triển khai thi hành có hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; rà soát, hoàn thiện các văn bản, quy định về quản lý, sử dụng tài sản công bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong tổ chức thực hiện cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nâng cao hiệu quả nguồn lực tài sản công. Trong đó, thành phố chú trọng nâng cao hiệu quả trên 3 lĩnh vực, gồm: Tài chính, tài sản công; đất đai và các dự án đầu tư công; đẩy mạnh vận hành hệ thống chính quyền, trọng tâm là quản lý đô thị.

Cụ thể hóa nhiệm vụ này, UBND thành phố đã trình và được HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI (tại kỳ họp thứ mười một) thông qua Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Sáng, đề án xác định phạm vi gồm 4 nhóm tài sản công, đó là: Nhà; đất đai; tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản khác. Trong đó, trọng tâm là phân tích, đánh giá đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố và đất đai.

“Đây là đề án khung, có tính chất định hướng. Trên cơ sở đề án được phê duyệt, UBND thành phố sẽ ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, trong đó trọng tâm là triển khai 4 đề án thành phần, tập trung vào 2 nhóm tài sản có quy mô và giá trị lớn của thành phố là nhà và đất đai”, đồng chí Nguyễn Xuân Sáng nói.

Đối với đất công bị sử dụng sai mục đích, sai quy định, thành phố cũng chỉ đạo quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại kéo dài. Đơn cử như dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, theo Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung, đây là dự án “treo” với nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất. Những sai phạm kéo dài nhiều năm không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn rất lãng phí đất đai, tài sản. Tại cuộc họp về việc xử lý, giải quyết nội dung kết luận thanh tra toàn diện dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương phân công rõ việc, rõ trách nhiệm của từng cá nhân, quyết tâm đến tháng 9-2023 phải xử lý dứt điểm tồn tại của dự án này.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, liên thông, liên ngành đã tăng tính chủ động cho địa phương để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách toàn diện, thực chất hơn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ khoảng 37% tổng số thủ tục hành chính. Việc phân cấp, ủy quyền bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; giúp chính sách, các quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác; rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ. Qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính; cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã cắt giảm 130 quy định và 454 định mức được hoàn chỉnh, 1.571 hạn mức đơn giá được thực hiện. Quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ là xương sống, khung căn bản để Hà Nội thực hiện công tác tiết kiệm, chống lãng phí. Đối với việc ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá làm cơ sở đấu thầu, đặt hàng sản phẩm dịch vụ công, hiện nay, thành phố Hà Nội có 156 dịch vụ/nhóm dịch vụ, trong đó dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước là 142 dịch vụ/nhóm dịch vụ; sản phẩm, dịch vụ công ích là 14 dịch vụ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương thông tin, ngành Giáo dục Thủ đô đang xây dựng cơ chế tự chủ theo đơn giá, định mức và cơ chế đặt hàng. Khi đưa vào triển khai, trong quá trình thực hiện chi cho các cơ sở giáo dục sử dụng ngân sách phải thực hiện theo đúng dự toán được giao, chế độ tiêu chuẩn, định mức quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, bảo đảm sử dụng kinh phí hiệu quả, tiết kiệm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo nguồn lực phát triển Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.