Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nền, xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội

Thống Nhất| 05/08/2012 06:16

(HNM) - Chương trình "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015" (Chương trình 04/CTr-TU) do Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 18-10-2011 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, tạo nền cho việc xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội.

Kết quả triển khai chương trình tại cơ sở đã bước đầu khẳng định điều ấy, rõ nhất là ở những chuyển biến rõ nét về tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội cần được giữ gìn và phát huy.

Bớt rườm rà

Kết quả khảo sát của lãnh đạo Thành ủy thời gian qua cho thấy, hầu hết các địa phương, đơn vị đều cố gắng cụ thể hóa các nội dung Chương trình 04/CTr-TU bằng mục tiêu, nội dung, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù riêng.

Mang đặc điểm của một quận mới thành lập, Long Biên chọn chủ đề của năm 2012 là "Xây dựng nếp sống văn minh đô thị gắn với nâng cao chất lượng xây dựng tổ dân phố văn hóa". Với sự gia tăng mạnh mẽ của các khu đô thị trên địa bàn, Long Biên tích cực triển khai các quy định về bảo đảm trật tự đô thị, xây dựng mô hình điểm tổ dân phố thực hiện nếp sống văn minh đô thị, hoàn thiện các quy ước cộng đồng… Theo Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo, mỗi năm quận đầu tư tới 1.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng. Quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư tương xứng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân không chỉ về vật chất, mà còn cả về tinh thần, tạo nền tảng văn hóa, tức chăm lo tạo nền phát triển bền vững.

Huyện Đông Anh là đơn vị tiêu biểu toàn TP trong thực hiện việc tang văn minh trên địa bàn, thể hiện ở việc dần xóa bỏ hủ tục, không làm cỗ mời khách ăn trong ngày tang, ngày cúng tuần 49 và khi cải táng. Đây cũng là đơn vị vận động được trên 50% số gia đình có người qua đời thực hiện hỏa táng, dẫn đầu thành phố. Còn ở huyện Thạch Thất, chỉ riêng với việc tổ chức mừng thọ theo hướng văn minh, loại bỏ những thủ tục rườm rà mà nhiều gia đình bớt được chi phí đáng kể khi tổ chức mừng thọ cho các cụ trên 70 tuổi (trước kia có chỗ mừng thọ từ ngoài 50 tuổi).

Sở GD-ĐT Hà Nội đã đưa chương trình “Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch” vào triển khai tại các trường học.

Thanh lịch, văn minh - Bắt đầu từ đâu?

Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình 04/CTr-TU là mỗi công dân sống trên địa bàn Thủ đô đều trở thành những công dân tiêu biểu, những người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Mục tiêu đúng là thế nhưng cho đến nay, đa số các địa phương, đơn vị đều chưa định hình cụ thể thế nào là thanh lịch, là văn minh. Trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm nay về triển khai chương trình, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã thẳng thắn thừa nhận: Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn nhiều lúng túng, mới chủ yếu dừng ở khâu tuyên truyền, thiếu những mô hình và cách làm thiết thực, hiệu quả.

Với ý nghĩa bao trùm toàn bộ các lĩnh vực của đời sống, rõ ràng là ngoài những giải pháp về lãnh đạo, quản lý, còn cần có sự chung tay hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Song, thực tế cho thấy việc phát động, động viên người dân tích cực tham gia các hoạt động có liên quan tại địa phương phần nhiều vẫn mang tính hình thức, chưa khích lệ được người dân chủ động có tiếng nói góp ý xây dựng tích cực, thậm chí là cả trong việc xây dựng nội quy, quy ước cộng đồng - những nội dung mà người dân trực tiếp thực hiện. Từng có chuyện lãnh đạo quận nọ họp dân để tuyên truyền, cụ thể hóa các tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh, vận động người dân thực hiện theo các tiêu chí này, song chẳng mấy người bận tâm, đơn giản là ai cũng nghĩ đó là… việc của lãnh đạo. Còn với các huyện ở địa bàn mở rộng, do xác định đây là nội dung mới và khó nên ngay khi triển khai, Ban chỉ đạo chương trình đã yêu cầu lãnh đạo các huyện phải đặc biệt lưu ý cụ thể hóa thành những mục tiêu, giải pháp phù hợp với đặc điểm địa phương, giúp người dân dễ hình dung, dễ thực hiện. Song, đến nay chưa có huyện nào xây dựng chương trình riêng về nội dung này.

Theo các chuyên gia, vướng mắc cơ bản là do địa phương chưa xác định cụ thể nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gồm những gì, nên bắt đầu từ đâu. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trước hết là xây dựng môi trường văn hóa, tạo ra không gian sinh hoạt phục vụ người dân tại cộng đồng. Thực tế đặt ra yêu cầu xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở như trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm VH-TT, nhà văn hóa tổ dân phố, trung tâm y tế… Đó là nơi giúp con người bồi bổ sức mạnh tinh thần, hướng đến sự hoàn thiện nhân cách. Nếu môi trường văn hóa lành mạnh thì quá trình nhập thân văn hóa, hoàn thiện nhân cách của mỗi cá thể sẽ diễn ra tốt đẹp. Từ đó, con người mới được tạo dựng với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa, sẽ tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng môi trường văn hóa. Thực tế cho thấy chính quyền nơi nào quan tâm đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa cơ sở thì ở nơi đó chất lượng cuộc sống người dân tốt hơn. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không thể tách rời nội dung xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, khu dân cư tiên tiến, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Người tốt, việc tốt", thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới...

Việc hình thành môi trường văn hóa lành mạnh tạo điều kiện cho phát triển các mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng là nền tảng cho quá trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Một số chỉ tiêu cơ bản của Chương trình 04/CTr-TU: 85% số hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 90% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương; mỗi quận, huyện đều có trường mầm non, tiểu học chất lượng cao; mỗi năm có 140 nghìn- 145 nghìn người được giải quyết việc làm; 55% lao động qua đào tạo; giảm hộ nghèo bình quân 1,5-1,8%/năm; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 20 giường bệnh/vạn dân; 12,5 bác sĩ/vạn dân...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo nền, xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.