Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nền tảng văn hóa cho thế hệ trẻ

Thống Nhất| 30/07/2013 05:56

(HNM) - Công cuộc CNH, HĐH cùng yêu cầu phát triển đã đưa Thủ đô bước vào giai đoạn mới - giai đoạn khẳng định và ngày càng nâng cao vị thế, tầm vóc của một Thủ đô văn minh, hiện đại.



Bước chuyển về nhận thức, hành vi

Hoàn thành và đưa vào giảng dạy đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (10-10-2010), bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" cho HS của Sở GD-ĐT Hà Nội đã tạo hiệu ứng tích cực, trở thành "kênh" giáo dục đạo đức hiệu quả. Cho đến nay, Hà Nội là địa phương duy nhất biên soạn và đưa vào giảng dạy đại trà bộ tài liệu mang tính thiết thực này. Kết quả triển khai của Hà Nội được Bộ GD-ĐT đặt nhiều kỳ vọng, coi đó là căn cứ xây dựng bộ tài liệu tương tự để nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức cho HS trên phạm vi toàn quốc trong những năm tới.

Bộ tài liệu được biên soạn với 5 nội dung, bao gồm khái niệm về thanh lịch - văn minh, phong cách thanh lịch - văn minh, giao tiếp thanh lịch - văn minh, ứng xử thanh lịch - văn minh nơi công cộng, ứng xử thanh lịch - văn minh với thiên nhiên, môi trường. HS cả ba cấp học đều học các nội dung trên song ở từng cấp có cách tiếp cận và yêu cầu khác nhau. Với HS tiểu học, nội dung tập trung hướng dẫn hành vi cơ bản trong ăn, mặc, giao tiếp… thông qua các hiện tượng đúng - sai đơn giản để HS dễ nhận thức. Đến cấp THPT, HS được trang bị kiến thức, kỹ năng tổng thể trong cách thể hiện hành vi giao tiếp, ứng xử cho đúng, cho đẹp, ở những hoàn cảnh khác nhau như trong gia đình, nơi công cộng, với môi trường, với người nước ngoài…

Ảnh minh họa.


Hai năm triển khai bộ tài liệu trên ở các nhà trường cho thấy, dù chưa phải tiết học nào cũng có kết quả trọn vẹn như mong muốn, song nhiều thầy, cô giáo đã nhận ra chuyển biến tích cực. Sau mỗi bài học, HS dần có thay đổi trong nhận thức, hành vi. Có dịp được dự một tiết học cùng cô và trò lớp 4B Trường Tiểu học Đoàn Kết, quận Hà Đông, với chủ đề "Chia sẻ với ông bà, cha mẹ" mới cảm nhận rõ điều ấy. Bằng cách gợi mở, dẫn dắt vấn đề đơn giản, gần gũi thông qua tình tiết của một tiểu phẩm, cô giáo giúp HS nhận thức được hành vi ứng xử đúng với ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, biết lý giải tại sao… Có lẽ, cũng bằng sự đơn giản và gần gũi, dễ hiểu, không gò ép mà những lời khuyên của cô giáo được HS tiếp nhận dễ dàng, giúp trẻ hứng thú hơn với bài học.

Hội tụ và lan tỏa

Quay trở lại thời điểm khởi đầu, các thành viên hội đồng biên soạn đã từng trăn trở với khái niệm thế nào là người thanh lịch, văn minh. Rõ ràng, để HS nhận thức và làm theo những hành vi được coi là thanh lịch, văn minh ấy, người thầy phải "vẽ" chân dung của người thanh lịch, văn minh. Nhưng cái khó nằm ở chỗ tìm ra cách trả lời đầy đủ rằng người thanh lịch, văn minh là thế này, thế kia. Quá trình hơn một năm thu thập phiếu hỏi, nghiên cứu tài liệu của ban soạn thảo đã cho thấy, khó có thể tìm được nguyên mẫu cụ thể về người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hà Nội là Thủ đô, nơi thu hút người bốn phương tới học tập, lao động, định cư, truyền thống văn hóa luôn có sự bồi đắp, hội tụ, kết tinh và lan tỏa nên chuẩn thanh lịch, văn minh mang tính động, về cơ bản là sự tổng hợp nét tiêu biểu về văn hóa, văn minh của người Việt khắp các vùng miền. Vì thế, nội dung của bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" được đưa vào giảng dạy đại trà ở các nhà trường không gây bỡ ngỡ cho dù thầy và trò có gốc gác ở xa Hà Nội. Theo cô giáo Bùi Thị Hiệp (Trường THCS Quất Động, huyện Thường Tín), một trong số giáo viên tham gia dạy thí điểm bộ tài liệu, đó là tập hợp những điều cơ bản nhất mà mỗi HS cần trang bị để trở thành người có ích. Nội dung, cách thức và yêu cầu giảng dạy đã làm nên nét khác biệt, khiến cho HS thấy được nét gần gũi, thiết thực, biết tự hào về truyền thống và ý thức được trách nhiệm của bản thân trong học tập và tu dưỡng, xứng đáng là chủ nhân của một Thủ đô văn minh, hiện đại.

Hiệu quả của việc giảng dạy bộ tài liệu không chỉ tác động đến nhận thức, hành vi của HS mà còn lan tỏa đến đội ngũ giáo viên. Mỗi thầy, cô giáo đều có ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện sứ mạng "dạy người", rõ trách nhiệm tự rèn luyện để trở thành tấm gương sáng cho HS, bởi muốn có HS thanh lịch trước hết phải có giáo viên thanh lịch. Đó là cơ sở vững chắc để tạo nền văn hóa cho thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nền tảng văn hóa cho thế hệ trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.