Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo lập văn hóa ''xanh''

Tiến Thành| 25/05/2022 06:13

(HNM) - Những năm qua, quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội kéo theo một số vấn đề về môi trường. Lan tỏa văn hóa ứng xử với môi trường nơi sinh sống của người dân, tạo lập văn hóa “xanh” tại cộng đồng dân cư đang được thành phố tích cực thực hiện nhằm triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” cũng như xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thành phố Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường tại địa bàn khu dân cư để Thủ đô luôn xanh - sạch - đẹp - văn minh. Trong ảnh: Tuyến đường hoa tại xã Yên Viên (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường

Bên cạnh việc quan tâm đầu tư công nghệ, hạ tầng xử lý rác thải và các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội cũng đề ra các giải pháp xử lý rác thải tại cơ sở, từng bước tạo lập văn hóa bảo vệ môi trường đến người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, trong kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2022-2026, một trong những mục tiêu được đề ra là tổ chức hiệu quả các phong trào bảo vệ môi trường, nhất là hoạt động phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa. Qua đó gắn kết và phát huy vai trò của người dân, cộng đồng dân cư và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thực hiện hiệu quả các phong trào bảo vệ môi trường, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh đã và đang nhân rộng mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”. Đến nay, mô hình đã thu hút hơn 7.000 người tham gia, số hộ đăng ký tham gia tăng 146,81% so với giai đoạn đầu. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, có được thành công trên, thời gian qua, Hội phối hợp với các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân phân loại rác tại nguồn, hướng dẫn người dân cách thu gom, phân loại rác; cung cấp gói vi sinh để thực hiện phân hủy rác thải...

Còn tại phường Điện Biên (quận Ba Đình), nhằm đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với mục tiêu xây dựng tuyến phố điểm về văn minh đô thị, phường tập trung vận động, tuyên truyền người dân, cơ sở kinh doanh trên phố Nguyễn Thái Học không vứt rác ra vỉa hè; không để vật liệu, phế thải trên vỉa hè… “Phường cũng thực hiện xã hội hóa phủ xanh các gốc cây trên phố Nguyễn Thái Học nhằm mang lại vẻ tươi mới, sinh động cho tuyến phố, người dân cảm thấy phấn khởi với hình ảnh xanh, sạch, đẹp nơi mình sinh sống”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Điện Biên Nguyễn Đình Đăng nói.

Bên cạnh đó, các địa phương của Thủ đô cũng đang triển khai nhiều phong trào tạo lập văn hóa bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu dân cư. Tiêu biểu như: Mô hình “Kinh doanh xanh” của thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm); phong trào “Thu gom phế liệu - Làm sạch môi trường” của phường Khương Mai (quận Thanh Xuân); mô hình “Phụ nữ sống xanh” tại xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai)…

Mô hình tuyến phố văn minh đô thị, phủ xanh gốc cây tại phố Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình). Ảnh: Mai Hữu

Tạo hiệu quả bền vững

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều phong trào bảo vệ môi trường tại địa bàn khu dân cư gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được duy trì, tạo hiệu quả bền vững.

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Đình Cường cho biết, việc huy động các tổ dân phố tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường đã trở thành hoạt động “đến hẹn lại lên” vào sáng thứ bảy hằng tuần. Sự tham gia tích cực của người dân không chỉ góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường sống mà còn lan tỏa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Minh (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho hay, từ sự vận động của tổ dân phố nên cứ thứ bảy hằng tuần, gia đình chị đều có người tham gia tổng vệ sinh trong toàn ngõ, nơi gia đình đang sinh sống.

Trong khi đó, việc đưa công tác bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước khu dân cư cũng được các địa phương thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả lâu dài. Đến nay, nhiều nội dung trong hương ước, quy ước của 7/7 tổ dân phố trên địa bàn phường Viên Sơn (thị xã Sơn Tây) đã được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, trong đó có tiêu chí về vệ sinh môi trường. Chủ tịch UBND phường Viên Sơn Nguyễn Thị Mùi thông tin, việc làm trên giúp hình thành nếp sống văn minh, môi trường cảnh quan ở địa phương luôn sạch đẹp, rác thải được xử lý tại nguồn.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng chia sẻ, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong đó tập trung phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đối với “điểm nóng” ô nhiễm môi trường tại các hộ thu gom, tái chế phế liệu ở thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu), UBND huyện đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tổ chức đợt cao điểm “100 ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường” tích cực vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong đó có phân loại chất thải phát sinh từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu…

Để triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2022-2026 với mục tiêu tổ chức hiệu quả các phong trào bảo vệ môi trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh cho biết, bên cạnh xây dựng, nhân rộng và duy trì các mô hình, Sở cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ứng xử với môi trường có văn hóa, góp phần tạo dựng những hình ảnh đẹp, việc làm thiết thực, ý nghĩa để Hà Nội thật sự là Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo lập văn hóa ''xanh''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.