(HNM) - Một trong những nghịch lý hiện nay là dù các cơ quan chức năng đang nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ trong các quy định liên quan đến pháp luật kinh doanh nhưng một số văn bản đang soạn thảo hoặc đã ban hành vẫn có xu hướng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn là vấn đề cấp thiết đối với doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cuối tháng 3 vừa qua cho thấy, gần 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố nổi lên thực tế: Bên cạnh việc ủng hộ chủ trương, chính sách mở đường cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh như tiếp tục giảm phí, lệ phí khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, các loại thuế khác đối với những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh; miễn giảm nghĩa vụ tài chính trong một số ngành thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không…, số đông doanh nghiệp đều đang kỳ vọng Nhà nước sớm bãi bỏ các quy định đang “làm khó” doanh nghiệp.
Ví như xuất khẩu gạo, với việc quay trở lại điều kiện về diện tích tối thiểu của kho chuyên dùng, công suất tối thiểu của cơ sở xay xát hoặc chế biến thóc gạo. Trong kinh doanh dịch vụ thẩm định giá với đề xuất sửa đổi Luật Giá theo hướng nâng cao hơn điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp thẩm định giá. Hay quy định yêu cầu lắp camera trên xe ô tô vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo. Dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ yêu cầu phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình và doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động vận tải nội bộ khi sử dụng một số loại ô tô vận tải nội bộ nhất định… Mặc dù những quy định này tưởng là “nhỏ” nhưng vì liên quan đến hoạt động hằng ngày, thường xuyên của doanh nghiệp nên trở thành rào cản, gây khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho thấy những quy định pháp luật không phù hợp áp dụng trong bối cảnh này. Ví dụ như thiếu vắng các quy định về bán thuốc trực tuyến, khám bệnh từ xa, chế độ cho người làm việc ở nhà... Đây đều là những hoạt động cần thiết trong tình hình các biện pháp phòng dịch hạn chế người dân ra ngoài đường.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, năm nay, VCCI tiến hành đánh giá sơ bộ chất lượng của thông tư, công văn là hai loại văn bản liên quan sát sườn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Qua phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, chất lượng thông tư, công văn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Những chính sách cởi mở, cải cách ở văn bản luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ khó trở thành hiện thực, nếu quy định tại thông tư, hướng dẫn thực tiễn ở công văn không truyền tải được tinh thần tiến bộ trên. Chẳng hạn như có nhiều thông tư vẫn ban hành điều kiện kinh doanh - điều bị cấm theo Luật Đầu tư 2014, 2020.
Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu các nhà xây dựng chính sách phải xem xét lại một cách toàn diện hệ thống pháp luật về kinh doanh, để xác định cái nào chỉ phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh - cần có cơ chế để điều chỉnh quy định trong khoảng thời gian này; cái nào cần phải điều chỉnh lại ngay cả khi mọi thứ quay trở lại bình thường - cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định.
Từ thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và họ đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Theo đó, ông Nguyễn Đình Cung đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản hiện có không được đặt thêm các rào cản, không được đi ngược lại những cải cách đã làm trong thời gian qua; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giải quyết ngay theo thẩm quyền các vấn đề, sửa đổi các quy định đang gây khó khăn, tốn kém cho đầu tư, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.