(HNM) - Bên cạnh nghị quyết, chương trình do đại hội Đảng hoặc cấp ủy thông qua, tùy theo tình hình, nhiều cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy chọn một số vấn đề, lĩnh vực còn khó khăn để xây dựng nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tập trung nguồn lực để thực hiện.
Sự hiệu quả của các nghị quyết chuyên đề đã không chỉ giúp nhiều cấp ủy giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt mà còn tạo tiền đề quan trọng cho các mục tiêu phát triển bền vững. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XV cũng đã xây dựng, triển khai hai nghị quyết chuyên đề toàn khóa: Nghị quyết 09 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” và Nghị quyết 06 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015”. Đây thực sự là điểm nhấn thành công, đạt nhiều kết quả quan trọng trong hai lĩnh vực rất khó này. Bài học kinh nghiệm quan trọng rút ra đang được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp tục phát huy qua việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả “ngành công nghiệp không khói” vốn nhiều tiềm năng trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng sẽ xây dựng nghị quyết chuyên đề thứ hai về giải phóng mặt bằng, một lĩnh vực khó khăn, phức tạp, nhưng vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của Thủ đô.
Rõ ràng các nghị quyết chuyên đề không chỉ giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề khó khăn từ thực tiễn, mà còn giúp khẳng định vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Những ngày này, các đảng bộ đang khẩn trương triển khai các chương trình, kế hoạch để đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống. Việc chủ động xây dựng và thực hiện nghị quyết chuyên đề phù hợp với tình hình rất cần các cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy chú trọng. Tuy nhiên, việc lựa chọn lĩnh vực, vấn đề nào để xây dựng nghị quyết đòi hỏi phải có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị; tránh tình trạng xây dựng nghị quyết chuyên đề cho “đủ bài”, tính khả thi không cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.