Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá ngay từ những ngày đầu, tháng đầu

Nhóm phóng viên| 16/01/2021 12:08

(HNMO) - Để thành phố tạo ra bước đột phá ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về "Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021" cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của Hà Nội cho biết sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc với quyết tâm cao những mục tiêu mà thành phố đã đặt ra.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh:
Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch

Trong năm 2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ; tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng; tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững...

Đặc biệt, Sở đang tập trung xây dựng để trình ban hành Chương trình số 05 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025" trong quý I-2021. Đồng thời, Sở tập trung hoàn thành quy hoạch phân khu nội đô H1; một số quy hoạch vùng huyện, vùng liên huyện quan trọng; các quy hoạch phân khu đô thị: Sông Hồng, sông Đuống, Phú Xuyên, Xuân Mai; quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Tiến Thiết:
Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính 

Năm 2021 được dự báo tiếp tục là năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với tinh thần nỗ lực vượt khó, ngay từ ngày đầu năm mới 2021, Sở Tài chính quyết liệt triển khai các giải pháp của thành phố nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Sở phối hợp với cơ quan thuế, hải quan và các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao ở mức cao nhất; tiếp tục rà soát, cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho thời kỳ ổn định ngân sách mới, Sở rà soát, tham mưu thành phố điều chỉnh, bổ sung quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp; xây dựng định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội và tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2022-2025; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù; triển khai công tác tài chính - ngân sách tại các quận, thị xã và các phường khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội từ ngày 1-7-2021...

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 

Năm 2020 khép lại, ngành Công Thương Hà Nội đã hoàn thành “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Đặc biệt, nhiều giải pháp kích cầu thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục tăng trưởng kinh tế mang tính đột phá đã được triển khai, như kết nối sản xuất - tiêu thụ với các tỉnh, thành phố, chương trình kích cầu quy mô lớn “Hà Nội đêm không ngủ”… Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện các chương trình khuyến mại tập trung với mức khuyến mại lên tới 100%.

Trong năm 2021, ngành Công Thương Hà Nội phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7% đến 8%... so với năm 2020. Cùng với đó, ngành phấn đấu khởi công xây dựng 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; phát triển thêm 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, 26 chợ và cải tạo 77 chợ...

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ những ngày đầu năm 2021, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; triển khai các giải pháp thúc đẩy thương mại phát triển, nhất là thương mại điện tử, các kênh phân phối, mạng lưới các loại hình thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại…

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương:
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội

Phát huy kết quả đạt được trong năm 2020, năm 2021, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn kết với doanh nghiệp, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường; tiến hành đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động. Đối tượng được ưu tiên hỗ trợ đào tạo là lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lao động là người khuyết tật, là thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo…

Cùng với đó, các cơ quan chức năng sử dụng các phương pháp hiện đại để thu thập thông tin, xây dựng dữ liệu về thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề cho người lao động đúng và trúng. Việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu về lao động, việc làm tiếp tục được thực thi. Phấn đấu trong năm 2021, Hà Nội tuyển sinh, đào tạo nghề cho 220.500 lượt người; nâng tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo lên 71,5% (hiện nay là 70,25%); giải quyết việc làm cho ít nhất 160.000 người...

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm:
Triển khai nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số

Năm 2020, lĩnh vực công nghệ thông tin được chú trọng, đẩy mạnh ứng dụng trong nhiều lĩnh vực; hạ tầng viễn thông được nâng cấp, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; thông tin tuyên truyền được quan tâm.

Năm 2021, với vai trò là cơ quan tham mưu, chủ trì thực hiện chính phủ điện tử, chuyển đổi số của thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố xây dựng và triển khai các chương trình, đề án: "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; "Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội"; "Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"; "Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"...

Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp tập trung phát triển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số. Khuyến khích doanh nghiệp lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các khu du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và khu công nghiệp. Internet băng rộng được phổ cập như một tiện ích thiết yếu, đưa tỷ lệ nguời sử dụng internet đạt trên 80%. Phát triển dịch vụ băng rộng cố định, di động đến 100% xã, phường, thị trấn và triển khai chương trình phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) đến 100% người dân, với chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.

Đồng thời, Hà Nội tăng cường quản lý thông tin trên hệ thống báo điện tử, mạng xã hội, bảo đảm an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc; tăng cường tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội và kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố và đất nước, nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp...

Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn:

Đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế

Từ góc độ của cơ quan tham mưu tổng hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ tiếp tục ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nỗ lực cao nhất để phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế; chủ động khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy; nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS, thăng hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, PAR Index; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm chủ đề năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Chúng tôi quyết tâm hoàn thành 25 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách của thành phố trong năm 2021. Trong đó, GRDP tăng trên 7,5%; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã, hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt nông thôn mới...

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động:
Thu hút các nguồn lực phát triển sự nghiệp văn hóa - thể thao

Với mục tiêu đưa sự nghiệp văn hóa, thể thao Thủ đô thành nguồn lực, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2021, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô quyết tâm thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có: Tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành, triển khai thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu giữ vững vị trí đứng trong tốp 10 sở, ban, ngành có chỉ số cải cách hành chính hiệu quả.

Sở tham mưu UBND thành phố về các chương trình, kế hoạch thực hiện cam kết với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc của thành phố Hà Nội khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo; triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp triển khai rộng rãi, hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội. Tăng cường quản lý và đầu tư nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Chú trọng phát triển thể thao nâng cao tầm vóc, thể chất con người Thủ đô cũng như tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao thành tích cao. Thực hiện các giải pháp thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn:
Quyết tâm thực hiện “nhiệm vụ kép” để phát triển kinh tế

Năm 2021, dự báo dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tuy nhiên, huyện Mê Linh vẫn đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn là 7,6%; thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 1.650 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm...

Để đạt được các mục tiêu trên, ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2021, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mê Linh tiếp tục triển khai “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Mê Linh tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả đề án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn trong quá trình đô thị hóa giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; đề án “Thu hút các nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh”; đồng thời đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho nhân dân và đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với đó, Mê Linh chủ động chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị, địa phương nhằm nâng cao tính chủ động, sẵn sàng ứng phó với diễn biến bất thường của dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc:
Khắc phục mọi khó khăn để phát triển kinh tế

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, huyện Sóc Sơn tập trung các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 9,5% trở lên; đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng khung trên địa bàn; duy trì và nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới...

Để đạt được mục tiêu này, Sóc Sơn đã xây dựng 19 chỉ tiêu và xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện. Theo đó, huyện tập trung hoàn thành xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch triển khai nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra; tăng cường xã hội hóa đầu tư, thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách, điều hành tốt ngân sách, hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách và kế hoạch đầu tư công năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá ngay từ những ngày đầu, tháng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.