Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đồng thuận từ tuyến cơ sở

Quốc Bình| 13/03/2018 07:10

(HNM) - Nắm bắt tình hình và tạo đồng thuận từ tuyến cơ sở là mấu chốt để bảo đảm môi trường bình yên cho Hà Nội phát triển. Tuy vậy, vẫn còn có cấp ủy chưa thực sự dành sự quan tâm xứng đáng cho nhiệm vụ này.


Cộng tác viên dư luận xã hội cung cấp nhiều thông tin tư tưởng ở tuyến cơ sở. Ảnh: Ngọc Hà


Còn nhiều hạn chế

Dư luận gần đây nổi lên vụ việc hàng chục người dân ở Khu đô thị Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm) căng băng rôn phản đối chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch. Chỉ trong vòng 2 tháng, việc này đã diễn ra hai lần, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự... Đây là một trong số hàng chục vụ việc phát sinh từ cơ sở, có nguy cơ trở nên phức tạp, "vượt cấp" nếu không được quan tâm giải quyết sớm.

Để hạn chế đơn, thư, khiếu kiện vượt cấp, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vấn đề có ý nghĩa mấu chốt là việc nắm bắt tình hình ở cơ sở và có biện pháp giải quyết ngay khi việc mới manh nha. Số đơn, thư khiếu nại, tố cáo ở Hà Nội gửi vượt cấp lên các cơ quan trung ương trong năm qua đã giảm 51%. Tuy nhiên, số đơn, thư vượt cấp từ cơ sở lên cấp huyện, cấp thành phố vẫn có chiều hướng gia tăng.

Trưởng phòng Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) Nguyễn Hoàng Sơn nhận định, những vấn đề mới nảy sinh mà cấp ủy, chính quyền địa phương cứ “thư thư” mới giải quyết thì chắc chắn sẽ tiềm ẩn phức tạp, thậm chí bùng phát thành điểm nóng. “Thông tin phản hồi hai chiều rất hạn chế. Thông tin dân phản ánh lên rất bức xúc, nhưng thông tin phản hồi, trả lời chưa đáp ứng” - đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn lý giải về một trong những vấn đề khó khăn trong việc ngăn chặn những vụ việc nhỏ biến thành to, từ đơn giản trở thành phức tạp.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thời gian qua, nhiều cấp ủy rất quan tâm đến công tác tư tưởng, tuyên giáo từ tuyến cơ sở; định kỳ hằng tháng, bí thư hoặc phó bí thư thường trực cấp ủy dự giao ban dư luận xã hội, mời cả lãnh đạo chính quyền cùng cấp tham gia nhằm nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn, đề ra giải pháp giải quyết ngay những vấn đề mới. Nhưng cá biệt có tình trạng, có nơi cơ quan tuyên giáo báo cáo chính xác tình hình dư luận xã hội ở cơ sở cho lãnh đạo còn bị lãnh đạo cấp ủy mắng và yêu cầu “gọt” báo cáo dư luận xã hội cho “tròn trịa” trước khi gửi cấp trên...

Tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017, Thành ủy Hà Nội đã chỉ ra 8 hạn chế. Trong đó, hạn chế đầu tiên được đề cập là vẫn còn một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và chưa quan tâm đúng mức đến công tác tư tưởng và công tác nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân; vì thế cũng chưa kịp thời thông tin tình hình ở một số cơ sở, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chỉ ra rằng: “Chất lượng hoạt động tuyên giáo ở cấp cơ sở, nhất là xã, phường, thị trấn còn chưa đồng đều, có địa phương có thời điểm còn lúng túng, kém hiệu quả trong giải quyết những vấn đề phát sinh”.

Hướng về cơ sở để “đi trước một bước”

Theo Trưởng phòng Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) Nguyễn Hoàng Sơn, công tác dư luận xã hội phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy. Nơi nào lãnh đạo cấp ủy quan tâm sát sao thì việc nắm bắt tình hình dư luận, giải quyết những bức xúc của người dân kịp thời, vì thế tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm và ngược lại.

Hiện nay, không ít những mô hình hay, cách làm có hiệu quả của ngành Tuyên giáo về nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, tạo đồng thuận, giữ ổn định tình hình từ tuyến cơ sở có thể nhân rộng. Một trong số đó, quận Long Biên đã có sáng kiến thành lập tổ dư luận xã hội ở phường, mỗi phường khoảng 10 người. Mặc dù không có chế độ, nhưng các tổ vẫn duy trì hoạt động tốt vì ý kiến phản ánh được quan tâm, giải quyết kịp thời. Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho biết, quận đã xây dựng được quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin dư luận từ tuyến cơ sở. Căn cứ thông tin dư luận từ các tổ cung cấp, Ban Tuyên giáo Quận ủy báo cáo, tham mưu phân công giải quyết, đồng thời theo dõi, đôn đốc giải quyết để trả lời cho cán bộ và người dân ở cơ sở... Tại huyện Thanh Trì, định kỳ bí thư cấp ủy cấp xã giao ban với các bí thư chi bộ để đối thoại về những vấn đề nổi cộm trên địa bàn, nhờ đó giải quyết kịp thời nhiều vấn đề mới phát sinh. Với những cách làm này, mặc dù quận Long Biên, huyện Thanh Trì là những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng lại là những nơi ít xảy ra khiếu kiện vượt cấp, số vụ việc phức tạp ngày càng giảm.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, nhằm tạo đồng thuận từ tuyến cơ sở, năm 2018, Ban Tuyên giáo Thành ủy xác định địa bàn tập trung củng cố nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo là xã, phường, thị trấn. Trong đó, Ban sẽ bắt tay vào triển khai thực hiện chuyên đề riêng về nội dung này. Đặc biệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo, các cấp, các ngành phải chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm, trước hết là người đứng đầu đối với công tác tuyên giáo. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức phải coi việc giải quyết những vấn đề dân sinh, bức xúc trong dư luận ở cơ sở là vấn đề lớn, khó để quyết tâm xây dựng quy trình, cơ chế, giải pháp thực hiện.

Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên giáo, tạo đồng thuận từ tuyến cơ sở chính là việc làm thiết thực cụ thể hóa “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”. Đây cũng chính là sự thực hành phương pháp làm việc "nằm lòng" của những người làm công tác tuyên giáo: Hướng về cơ sở để “đi trước một bước”. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đồng thuận từ tuyến cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.