(HNM) - Thời gian gần đây, giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng theo. Dự báo, giá ngô và một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ “leo thang” do căng thẳng tại một số khu vực trên thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vấn đề lúc này không chỉ là thúc đẩy các giải pháp phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi mà còn là quản lý chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu sản xuất đến sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.
Theo một thống kê của ngành Nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản phẩm chăn nuôi và mỗi năm các nhà sản xuất trong nước sử dụng 32-33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và thủy sản (riêng chăn nuôi đạt gần 20 triệu tấn). Mặt khác, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 20 triệu tấn nguyên liệu “đầu vào” như ngô, đậu tương, cám mỳ… và thức ăn chăn nuôi thành phẩm… Nếu giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng “phi mã” thì hệ lụy không chỉ đến với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi mà còn tác động tiêu cực đến tăng trưởng chăn nuôi và nông nghiệp nói chung.
Trước đây, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể xem là “con gà đẻ trứng vàng” thì nay lợi nhuận đang bị co hẹp. Tuy nhiên, xu hướng chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo mô hình trang trại đang mang đến những kỳ vọng mới - thúc đẩy tăng trưởng của thị trường thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Đồng thời, việc nhiều doanh nghiệp lớn thúc đẩy đầu tư, đa dạng hóa danh mục sản phẩm để tiếp cận thị trường cũng mang lại những tín hiệu tích cực.
Năm 2022, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,5-6%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi là 22,5 triệu tấn… Để hoàn thành những mục tiêu này đồng thời tạo động lực phát triển mới cho công nghiệp thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hóa giải những khó khăn, thách thức đang đặt ra. Theo đó, muốn phát triển chăn nuôi, bảo đảm duy trì ổn định nguồn cung cho thị trường trong nước và xuất khẩu thì việc thúc đẩy công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi cũng như quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trước hết, cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp cần tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích việc khai thác hiệu quả các chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp (bã sắn, men bia…) để thay thế một phần nguyên liệu nhập khẩu…; đồng thời nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn trồng ngô, đậu tương… qua đó, gia tăng nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.
Cùng với việc tạo cơ chế khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học cần hướng đến việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hỗ trợ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi nói riêng và chăn nuôi nói chung như kỹ thuật sinh học, tự động hóa… Mặt khác là ứng dụng công nghệ số trong việc tích hợp các dữ liệu cũng như trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi (hoạt động điều hành, sản xuất, bán hàng…).
Trong bối cảnh hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu sản xuất cũng như thức ăn chăn nuôi thành phẩm thì việc tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường; phát hiện, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực này… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc này không chỉ góp phần ổn định thị trường mà còn hạn chế những tác động tiêu cực từ việc sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng và giúp lĩnh vực này phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.