Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo điều kiện tốt nhất, phát huy tiềm năng của thế hệ cầu thủ trẻ

Mai Hoa| 23/12/2018 07:07

(HNM) - Thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển trong năm 2018 đặt lên vai những người làm công tác quản lý và điều hành bóng đá trách nhiệm rất lớn trong việc nuôi đà phát triển, phát huy tiềm năng của thế hệ cầu thủ trẻ hiện tại.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Khánh Hải. Ảnh: Minh Hoàng


Khởi đầu thuận lợi


- Ngày 8-12, ông được bầu làm Chủ tịch VFF khóa 8, nhiệm kỳ 2018-2022 và chỉ một tuần sau đó, đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đã giành ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2018 lịch sử, sau 10 năm dài chờ đợi. Đó là sự khởi đầu tốt đẹp với người đứng đầu VFF ở nhiệm kỳ mới và ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về nhận định này?

- Chúng ta thường có câu "vạn sự khởi đầu nan", nhưng đúng là Ban Chấp hành VFF khóa 8, nhiệm kỳ 2018-2022 đã được khởi động trong một bầu không khí phấn khởi và tự hào với thành tích xuất sắc của bóng đá Việt Nam. Ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2018 là "quả ngọt" của cả một quá trình chuẩn bị chu đáo, được đầu tư và tạo điều kiện tốt nhất, thể hiện sự tiến bộ không ngừng của bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển trong năm 2018. Đó là kết quả mang tính kế thừa từ thành công của đội U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á năm 2018 và ASIAD 18; trong đó, bên cạnh định hướng, sự đầu tư có trọng điểm và các giải pháp mang tính chiến lược của VFF, thì những đóng góp của các câu lạc bộ, các trung tâm đào tạo bóng đá, các tổ chức thành viên vào quá trình phát triển của các đội tuyển quốc gia cũng là điều rất quan trọng và cần được ghi nhận xứng đáng.

Hơn cả những tấm huy chương, những chiến thắng lịch sử của đội tuyển đã mang lại động lực lớn để chúng ta phát triển bóng đá. Đồng thời, đây cũng là dịp góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Là Chủ tịch VFF khóa mới, tôi cảm thấy vinh dự được kế thừa nền tảng vững chắc từ thành quả của nhiệm kỳ trước. Ban chấp hành khóa mới càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc nuôi đà phát triển, phát huy hiệu ứng rất tốt từ thành công của các đội tuyển quốc gia, U23 và Olympic Việt Nam.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

- Phần thưởng lớn nhất cho thành quả của bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển chính là khả năng thu hút sự quan tâm, cổ vũ của toàn xã hội đối với sự phát triển của bóng đá, truyền cảm hứng tự hào, tinh thần yêu nước, đoàn kết thông qua từng trận đấu có đội tuyển tham dự. Khán giả đến các sân bóng trực tiếp xem các cầu thủ yêu thích của mình thi đấu ngày càng nhiều hơn.

Riêng Giải Bóng đá vô địch quốc gia (V-League) năm 2018 đã thu hút lượng khán giả kỷ lục với 1.139.800 lượt người, trong đó có những trận ở Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) đạt đến gần 20.000 khán giả. Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo thực sự mang lại tình yêu, niềm tin cho tất cả người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

- Bóng đá Việt Nam đang sở hữu một thế hệ cầu thủ trẻ có cả đức và tài, được đào tạo bài bản, dưới sự dẫn dắt của một chiến lược gia bóng đá ngoại tài ba. Nhưng đang có luồng ý kiến cho rằng, VFF không giữ vai trò đáng kể trong việc này, mà hầu hết là công của các câu lạc bộ trong đào tạo trẻ và túi tiền riêng của một số ông bầu?

- Tôi mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch VFF, nhưng đã có quá trình dài làm công tác quản lý nhà nước về bóng đá với tư cách Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, phụ trách mảng thể thao. Cá nhân tôi đánh giá VFF nhiệm kỳ qua đã làm được rất nhiều việc. Nếu VFF không ban hành những quy định mang tính chất định hướng, buộc các câu lạc bộ phải đầu tư các tuyến trẻ, đồng thời yêu cầu mỗi câu lạc bộ chuyên nghiệp phải tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ vào sân thi đấu ở V-League thì công tác đào tạo trẻ khó có thể phát huy tốt như hiện tại.

Trong khoản thu trung bình từ 120 tỷ đến 150 tỷ đồng/năm từ việc huy động nguồn lực xã hội hóa, VFF thường xuyên trích hơn 70 tỷ đồng/năm cho công tác tập huấn, thi đấu nước ngoài, chưa kể việc đầu tư tổ chức các giải đấu đỉnh cao để các đội tuyển quốc gia có điều kiện cọ xát, trưởng thành.

Việc VFF ưu tiên các đội tuyển trẻ tham gia các giải quốc tế, đổi mới thể thức thi đấu, nâng cao chất lượng giải bóng đá trẻ, bảo đảm nguồn tài chính ổn định cho các đội tuyển quốc gia đã giúp đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, làm nức lòng người hâm mộ và nhân dân cả nước.

Kết hợp nhiều giải pháp

- Thời gian tới, ông và Ban lãnh đạo VFF khóa mới sẽ làm gì để tiếp tục nuôi đà phát triển của bóng đá Việt Nam, nhất là việc phát huy tiềm năng của thế hệ cầu thủ tài năng mà chúng ta đang có?


- Các đội tuyển chắc chắn sẽ được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và VFF tiếp tục phối hợp đầu tư hiệu quả. Vào ngày 25-12 tới đây, đội tuyển bóng đá quốc gia sẽ có trận giao hữu với đội bóng Cộng hòa DCND Triều Tiên trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, trước khi đi tập huấn tại Qatar, thi đấu giao hữu thử nghiệm đội hình với đội tuyển Philippines và sang Abu Dhabi, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tham dự ASIAN Cup 2019 (vòng bảng ASIAN Cup 2019 của đội tuyển Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 16-1-2019).

Với huấn luyện viên Park Hang-seo, người đã khẳng định dấu ấn và tài năng của mình qua quá trình hơn một năm làm việc cùng các đội tuyển quốc gia, VFF sẽ tạo mọi điều kiện để ông có thể làm việc được tốt nhất. Mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là vào vòng tứ kết ASIAN Cup 2019, đội U23 phấn đấu giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020, giành quyền vào chung kết SEA Games 2019 và 2021.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý và điều hành bóng đá cũng sẽ đầu tư phát triển bóng đá nữ, bóng đá trong nhà (futsal), nâng cao chất lượng các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp và đặc biệt là kiện toàn công tác trọng tài bóng đá chuyên nghiệp.

- Không thể có các đội tuyển mạnh trên một nền chân đế yếu. Vậy, VFF có giải pháp gì để ngày càng phát triển bóng đá phong trào, tăng cường tuyển chọn và đào tạo bóng đá trẻ?


- Phát triển bóng đá học đường, đưa bóng đá và futsal vào trường học dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa là điều cần thực hiện. Bên cạnh đó, VFF cũng tiếp tục đào tạo các cầu thủ trẻ tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, đề nghị Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) hỗ trợ các chương trình, mục tiêu cho công tác đào tạo bóng đá nữ và bóng đá trẻ.

Mặt khác, tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các câu lạc bộ phát triển mạnh hơn; kết hợp giữa đầu tư nhà nước và đầu tư doanh nghiệp để cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ thi đấu bóng đá đỉnh cao, khuyến khích các tổ chức kinh tế, tư nhân tham gia đào tạo và cung cấp cầu thủ bóng đá cho các câu lạc bộ giống như mô hình của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ (PVF)...

- Tại Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) năm 2026, FIFA đã quyết định nâng số đội tham dự lên 48 đội. Bóng đá Việt Nam có thể làm gì để chớp cơ hội này, nhắm đến mục tiêu có mặt tại đấu trường bóng đá lớn nhất hành tinh không, thưa ông?


- Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, bóng đá nam đứng trong nhóm 10, bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia có trình độ bóng đá hàng đầu ở khu vực châu Á. Đó là nhiệm vụ quan trọng, nhưng "có thực mới vực được đạo".

Trong bối cảnh kinh phí ngân sách ngày càng khó khăn, VFF cần tiếp tục xây dựng hình ảnh và nâng cao giá trị thương hiệu của các đội tuyển quốc gia, các giải chuyên nghiệp quốc gia, các câu lạc bộ; đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, để có nguồn tài chính ổn định lo cho các đội tuyển tập huấn và thi đấu nâng cao trình độ.

Bên cạnh các giải pháp truyền thống nêu trên, chúng ta cần tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ từ các liên đoàn có trình độ bóng đá phát triển, đồng thời nỗ lực đăng cai nhiều giải đấu quốc tế để giúp nâng cao trình độ thế hệ cầu thủ hiện tại. Đặc biệt, VFF cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thể dục thể thao trong việc hỗ trợ các câu lạc bộ kết nối với các học viện bóng đá của các quốc gia phát triển, mở rộng hợp tác phát triển bóng đá trẻ, học hỏi mô hình phát triển của bóng đá chuyên nghiệp các nước...

Để làm được điều này, điều tiên quyết là bộ máy quản lý và điều hành bóng đá Việt Nam phải đoàn kết, gắn bó, nỗ lực vì mục tiêu chung, thống nhất đầu tư trọng điểm, phát huy năng lực của thế hệ cầu thủ trẻ. Chính thành công của thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo đã cho chúng ta thấy, hãy chung sức, đồng lòng, nỗ lực học hỏi, quyết tâm hết mình, bóng đá Việt Nam có thể làm nên những điều kỳ diệu. Giấc mơ tham dự World Cup 2026 hoàn toàn có thể thành hiện thực, nếu tất cả những nhà quản lý và chuyên môn cùng vào cuộc, với sự quan tâm, yêu mến và đồng hành của người hâm mộ bóng đá cả nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện tốt nhất, phát huy tiềm năng của thế hệ cầu thủ trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.