Thể thao

Bóng đá trẻ Hà Nội: "Nhà mới" - hy vọng mới

Minh An 15/01/2024 - 12:17

Từ đầu tháng 7-2023, việc tập luyện của các tuyến trẻ nam bộ môn bóng đá thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) Hà Nội được chuyển từ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Gia Lâm về địa điểm ở Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm).

Việc “chuyển nhà” này được kỳ vọng giúp nâng vị thế, chất lượng hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của Trung tâm, nơi từng cung cấp nhiều tài năng bóng đá cho quốc gia, như Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Phạm Tuấn Hải, Nguyễn Thành Chung...

tuyen-u11.jpg
Đội bóng đá U11 của Trung tâm Huận luyện và thi đấu TDTT Hà Nội được tạo điều kiện tốt nhất về sân bãi tập luyện khi chuyển về địa điểm ở Mỹ Đình 2. Ảnh: Minh Hà

Không gian mới

Những ngày này, khi đến nơi ở của các tuyến trẻ bộ môn bóng đá Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội ở khu nhà chuyên gia của Trung tâm tại khu Mỹ Đình 2, dễ thấy sự phấn khởi của các HLV, VĐV. Các VĐV lứa U11 ở ngay tầng 1, mỗi phòng 4 VĐV. Đây cũng là nơi ở của các chuyên gia nước ngoài đang huấn luyện các đội thể thao Hà Nội và một số đội tuyển quốc gia, VĐV trọng điểm. Điều kiện sinh hoạt thuận lợi giúp các VĐV trẻ chuyên tâm tập luyện.

Trong khi đó, ở khu sân tập ngay gần đó, các HLV và VĐV các tuyến trẻ tha hồ chọn giờ, chọn sân để tập luyện. Khu sân tập này vốn để không từ khi xảy ra dịch Covid-19, không sử dụng trong một khoảng thời gian dài nên cỏ dại mọc um tùm khắp mặt sân. Khi các đội bóng trẻ về tập luyện tại đây, khâu chăm sóc mặt sân được chú trọng và chỉ sau một thời gian, các cầu thủ đã có một mặt sân tinh tươm. Đó cũng là thuận lợi so với khi đội tập luyện ở Gia Lâm - nơi tuyến U11 chỉ có thể tập đến 17h trên sân cỏ nhân tạo.

Cũng phải kể thêm về "gốc gác" của “lò” Gia Lâm. Khoảng năm 2002, Sở TDTT Hà Nội - nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - đã đặt một tuyến bóng đá trẻ tại Trung tâm TDTT (nay là Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao) huyện Gia Lâm. Ngày mới về Trung tâm Gia Lâm, mặt sân lút cỏ, thầy trò trong đội phải cùng nhau dọn cỏ thì mới có thể tập luyện. Rồi đến khi sân Hàng Đẫy được thay mặt cỏ để chuẩn bị cho SEA Games 22 - năm 2003 thì lãnh đạo Trung tâm TDTT Gia Lâm khi đó đã nhanh tay xin được toàn bộ mặt cỏ nơi đây mang về sân bóng đá ở Gia Lâm. Chính trên mặt cỏ ấy, nhiều lứa cầu thủ, trong đó có các ngôi sao như Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy, Nguyễn Thành Chung, Trần Đình Trọng, Đỗ Hùng Dũng, Phạm Tuấn Hải... đã trưởng thành.

Nhân gian có câu “không thầy đố mày làm nên”. Đội ngũ HLV thời các tuyến trẻ còn ăn tập ở Gia Lâm đều yêu nghề, vượt khó để dạy dỗ học trò. Việc các lứa cầu thủ trẻ tài năng của Trung tâm liên tục được sản sinh rồi chuyển giao cho nhiều đội bóng chuyên nghiệp là sự ghi nhận công sức, tài năng của những người thầy tại đây.

Còn bây giờ, khi đã được chuyển về "định cư" ở khu tập luyện tại Mỹ Đình 2, cả thầy và trò có thêm điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả huấn luyện. Chưa biết kết quả cuối cùng như thế nào, chỉ biết hiện đã thấy rõ sự hồ hởi của các HLV, cầu thủ. Theo VĐV Vũ Đình Bảo Lâm của lứa U11 việc được tập luyện tại không gian ở Mỹ Đình 2 mang đến cảm giác háo hức được ra sân tập luyện. HLV Phan Tú Anh (HLV đội U11) cho hay, việc được chủ động về sân bãi và khung thời gian huấn luyện giúp các HLV thực hiện giáo án dễ dàng hơn, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

Thêm kỳ vọng mới

HLV Hoàng Anh Tuấn của đội U11 kể rằng, việc ăn, ở, tập luyện, học tập khép kín ngay ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội thực sự là cơ hội tốt để thu hút, đào tạo cầu thủ. Điều này thể hiện rõ ngay ở đợt tuyển quân cho đội U11 diễn ra vào mùa hè 2023. Khi đó, Trung tâm tổ chức "tuyển quân" ở 5 huyện trên địa bàn thành phố với hơn 2.000 cầu thủ nhí ứng tuyển. Nhiều gia đình biết rằng con cháu họ nếu trúng tuyển sẽ được tập luyện ngay ở khu Mỹ Đình 2 nên hào hứng cho con thi tuyển. Nhờ đó, Ban huấn luyện đội U11 đã chọn được hơn một chục cầu thủ thực sự đáp ứng tốt tiêu chí mà họ đề ra, từ đó có thêm hy vọng khi gây dựng lứa U11 mới.

Theo Phó Trưởng bộ môn Bóng đá (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Nguyễn Trọng Hồng, sự quan tâm của lãnh đạo Trung tâm đã được cụ thể hóa với việc các tuyến trẻ được đưa về khu Mỹ Đình 2 cùng điều kiện tập luyện, sinh hoạt, học tập khép kín. Ở "nhà mới", khâu quản lý cũng có điều kiện để làm tốt hơn.

Thời gian tới, hệ thống bóng đá trẻ của Trung tâm dự kiến được gắn với công tác đào tạo trẻ của câu lạc bộ Công an Hà Nội, tuyến trẻ được mở rộng lên đến lứa U21 thay vì chỉ U15 như hiện nay. Các tuyến đều cần tăng quân số để đáp ứng yêu cầu phát triển bóng đá Thủ đô, nâng cao chất lượng của hệ thống đào tạo bóng đá của Trung tâm.

Cơ hội mới đã tới, mở ra hy vọng về những lứa cầu thủ trẻ giỏi giang đủ sức làm rạng danh bóng đá nước nhà cũng như Hà Nội, như những gì mà lớp cầu thủ đàn anh của họ đã làm được.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bóng đá trẻ Hà Nội: "Nhà mới" - hy vọng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.