Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo cơ hội phát triển cho cán bộ nữ

Linh Chi| 21/07/2012 08:27

(HNM) - Nguồn cán bộ nữ ở một số nơi đang thiếu hụt nghiêm trọng, tỷ lệ cán bộ nữ giảm liên tục trong nhiều năm… Đây là thực tế đáng báo động tại lễ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11

Các cấp, ngành cần tạo điều kiện để công tác cán bộ nữ phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: Huyền Linh


Theo số liệu thống kê, qua các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND các cấp, tỷ lệ nữ ĐB trên toàn quốc cũng bị giảm đáng kể. Trong 3 khóa gần nhất, tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XI (nhiệm kỳ 2002-2007) là 27,31%; khóa XII (nhiệm kỳ 2007-2011) giảm xuống 25,76%; khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016) chỉ còn 24,4%, bất chấp các nỗ lực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền phát triển nguồn nhân lực nữ của Hội Phụ nữ. Ở Hà Nội, tỷ lệ nữ cán bộ tham gia BCH Đảng bộ TP (nhiệm kỳ 2010-2015) là 12%; nữ ủy viên BCH các quận, huyện, thị ủy đạt 16,7%; cấp ủy viên xã, phường, thị trấn là 20,9%, đều chưa đạt chỉ tiêu TP đề ra. Thậm chí, 15/29 quận, huyện có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy dưới 15%, trong đó huyện Mê Linh chỉ có 5,4% cán bộ nữ trong cấp ủy. Các xã Hà Hồi, Quất Động (huyện Thường Tín); Thanh Lâm (huyện Mê Linh) còn không có cán bộ nữ tham gia cấp ủy…

Công tác cán bộ nữ còn gặp nhiều thách thức hơn khi nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, một số ngành chưa đúng mức. Công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ vẫn chưa tương xứng với năng lực của phụ nữ và sự phát triển của xã hội. Đội ngũ cán bộ nữ đông nhưng ở các lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm quản lý giỏi lại chưa nhiều. Không ít địa phương còn tình trạng cấp ủy "khoán trắng" công tác phụ nữ cho tổ chức hội. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình hành động về công tác phụ nữ còn làm chiếu lệ, không bám sát nội dung, chỉ tiêu đề ra. Theo báo cáo của Hội LHPN TP Hà Nội, dù đã có "Bộ số liệu thống kê bình đẳng giới", nhưng nhiều địa phương, đơn vị không cập nhật, thống kê thường xuyên, khiến các số liệu về bình đẳng giới không phản ánh đúng thực trạng tình hình thực hiện các chương trình, đề án về công tác phụ nữ.

Bên cạnh đó, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở một số địa phương, đơn vị còn hoạt động hình thức, hiệu quả thấp, thiếu chủ động trong việc tham mưu, đề xuất những nội dung chăm lo, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, rèn luyện. Tại nhiều cơ sở, ngoài sự nhiệt tình, thì cán bộ Hội Phụ nữ các cấp phần lớn tuổi cao, hạn chế về năng lực, trình độ, nên phương pháp làm việc thiếu sáng tạo, không đáp ứng yêu cầu công tác. Cùng với đó, do không có cơ chế quy định trách nhiệm của hội trong việc tham mưu công tác cán bộ nữ và chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ nên hiệu quả tham mưu của các cấp hội phụ nữ cũng giảm. Không ít phụ nữ còn tự ti, an phận, ngại phấn đấu...

Nghị quyết 11 khẳng định: "Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy Đảng, trách nhiệm chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò nòng cốt là Hội LHPN các cấp". Để nâng cao công tác phụ nữ, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội hiện nay, rất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các cấp, ban, ngành cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống chính sách, tạo điều kiện tốt nhất chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ nữ. Nhằm nâng cao vai trò của các cấp hội, rất cần có cơ chế quy định trách nhiệm tham mưu, phối hợp của Hội LHPN với cấp ủy và cơ quan chức năng trong công tác cán bộ nữ, xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ; đồng thời quy định trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong công tác cán bộ nữ. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện nâng cao trình độ, quy hoạch, đề bạt, nhằm tạo cơ hội phát triển cho cán bộ nữ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ hội phát triển cho cán bộ nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.