Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo cơ hội cho người không quốc tịch

Hà Phong| 20/12/2014 06:57

(HNM) - Từ khi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đi vào cuộc sống, việc nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định tại nước ta có nhiều chuyển biến tích cực.

Vẫn còn những vướng mắc

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, nhằm bảo đảm quyền có quốc tịch của cá nhân, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng không quốc tịch, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã dành riêng Điều 22 quy định về nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch. Theo đó, người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên (tính đến ngày luật này có hiệu lực) và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định. Cho đến nay, trên cơ sở đề xuất của các UBND cấp tỉnh, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho 4.727 người được nhập quốc tịch Việt Nam bằng thủ tục đơn giản, miễn lệ phí.

Chuyên gia nước ngoài làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi. Ảnh: Việt Hùng



Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, khi được nhận quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam, bà con đang cư trú ở một số tỉnh, thành phố thuộc miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, dọc biên giới Việt - Lào và một số tỉnh biên giới Việt - Trung rất phấn khởi. Từ đây, họ có cơ sở pháp lý để tiến hành các thủ tục nhập hộ khẩu, xin cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy chứng nhận quyền sở hữu về tài sản… Họ cũng có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, học tập, làm việc và trong việc thực thi trách nhiệm của công dân với Nhà nước.

Ghi nhận đây là mô hình tốt

về hoạt động nhân đạo, Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đã đánh giá Việt Nam là quốc gia giải quyết tốt nhất vấn đề người không quốc tịch so với các nước trong khu vực và Châu Á, đáng được áp dụng và nhân rộng.

Quyền quốc tịch quan trọng là vậy, việc triển khai cũng không gặp nhiều vướng mắc. Nhưng qua thực tế cũng cho thấy, do các nguyên nhân khác nhau như xung đột pháp luật, di cư tự phát, kết hôn không giá thú, nuôi con nuôi chưa được cấp có thẩm quyền công nhận, cư trú dưới 20 năm… nên tình trạng không quốc tịch vẫn khó có thể giải quyết dứt điểm. Số liệu tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố cho thấy, cả nước vẫn còn hàng nghìn người chưa đủ điều kiện gia nhập quốc tịch Việt Nam. Trong số này, có cả những người đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài song vì nhiều lý do khác nhau không được nhập quốc tịch nước ngoài nên trở về Việt Nam sinh sống.

Quan tâm đến người không quốc tịch

Ông Nicholas Oakeshot, chuyên gia của UNHCR (Khu vực Đông Nam Á) cho rằng, Việt Nam nên tham gia Công ước 1954 về quy chế của người không quốc tịch. Công ước 1954 sẽ giúp Việt Nam cải thiện được tình trạng pháp lý và nâng cao vị thế của người không quốc tịch, bảo đảm các quyền cơ bản của con người đối với người không quốc tịch.

Dưới góc độ là cơ quan phối hợp quản lý về quốc tịch, hộ tịch, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng nêu quan điểm cần nghiên cứu, xem xét gia nhập Công ước 1954 vì đây là văn kiện quốc tế quan trọng bảo đảm các quyền cơ bản của con người đối với người không quốc tịch, hướng đến việc các quốc gia thành viên Công ước cấp quốc tịch cho người không quốc tịch hiện đang cư trú trên quốc gia mình.

Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) Huỳnh Thị Lệ Thủy phản ánh, tại tỉnh An Giang còn 2.550 người; tỉnh Tây Ninh khoảng 1.300 người không có quốc tịch Việt Nam... Hầu hết các trường hợp này không có chỗ ở ổn định, chỉ che nhà tạm ở ven sông, thường xuyên di chuyển đến nhiều địa phương khác nhau. Trong khi đó, đa số họ trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật rất thấp, ảnh hưởng đến việc làm thủ tục đăng ký, kê khai. Số lượng người trở về Việt Nam sau năm 1989 nhưng mất giấy tờ cũng không ít, họ chỉ còn tiếng nói để chứng minh là người Việt Nam. Muốn xét họ vào tiêu chuẩn hộ nghèo để hỗ trợ thì lại thiếu căn cứ.

Theo luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn Luật sư Hà Nội), hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta về quyền và nghĩa vụ của người không có quốc tịch chưa đồng bộ, thiếu thống nhất. Để người không quốc tịch đang cư trú ổn định được hưởng đầy đủ các quyền và thực hiện các nghĩa vụ; tạo cơ sở thuận lợi gia nhập Công ước 1954, nước ta cần phải rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người không quốc tịch. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp với Hiến pháp mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ hội cho người không quốc tịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.