(HNM) - Sau một thời gian đi vào cuộc sống, Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” và Chỉ thị 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã ngày càng khẳng định rõ tính hiệu quả và đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống.
Thực tiễn trên địa bàn thành phố cho thấy, với một khối lượng lớn công việc phải giải quyết, tình trạng đơn thư, khiếu kiện đông người… luôn tiềm ẩn. Nhưng với việc thực hiện bài bản Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU từ thành phố đến cơ sở, nhiều vụ việc nổi cộm đã được xử lý dứt điểm. Qua đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển chung của thành phố.
Theo đó, tính đến hết tháng 11-2019, đã có 162/220 tổ chức cơ sở Đảng được củng cố (đạt 73,6%), còn 55 tổ chức cơ sở Đảng cần tiếp tục quan tâm, củng cố; trong đó, có 52 đảng bộ xã, phường, thị trấn. Đối với công tác giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp về an ninh trật tự thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo thành phố, đến hết tháng 11-2019, đã giải quyết xong 41 vụ việc (đạt 42%)...
Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện 2 văn bản này cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Điều này đã được chỉ rõ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU (tổ chức ngày 13-12), như: Công tác nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp có lúc, có nơi chưa kịp thời. Một số quận, huyện, thị ủy còn chủ quan, chưa nắm chắc tình hình, bị động trong giải quyết các vụ việc phức tạp...
Xác định rõ hạn chế để tìm giải pháp khắc phục là việc cần thiết. Đặc biệt, 2020 là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố và Đại hội XIII của Đảng, do đó việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU trong thời gian tới càng có vai trò quan trọng, đòi hỏi sự quyết tâm với trách nhiệm cao nhất của mỗi đơn vị, cơ sở.
Ngay từ cấp xã, phường, thị trấn phải nắm chắc những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp ngay từ khi sự việc manh nha và có giải pháp hóa giải kịp thời. Với địa phương đang xảy ra những vụ việc nổi cộm, cấp ủy Đảng, người đứng đầu phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Sự việc phải được xử lý triệt để tận gốc, đi đến sự đồng thuận trong nhân dân.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các địa phương, người trực tiếp tham gia Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU tại địa phương không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Mỗi cơ sở phải chủ động, có kế hoạch, lộ trình giải quyết các vụ việc còn tồn đọng, gắn trách nhiệm với từng cá nhân được phân công.
Đặc biệt, để xây dựng được những cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ phải được thanh lọc. Đồng thời, phải bảo đảm rằng, những yếu kém, sai phạm ở mỗi đơn vị, cá nhân phải được xử lý nghiêm để tạo niềm tin trong nhân dân...
Năm 2020, thành phố Hà Nội chọn chủ đề công tác là “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, hướng tới tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp”. Do đó, việc nâng cao trách nhiệm của mỗi cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU đặt ra sẽ tạo sự chuyển động thực chất, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chung của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.