Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến tích cực về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Nguyên Anh| 10/10/2020 09:35

(HNM) - Trao đổi về kết quả thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”, Thành ủy viên, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức khẳng định: Việc triển khai thực hiện chương trình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, từng bước thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn Thủ đô.

Đoàn kiểm tra số 1 của Thành ủy Hà Nội kiểm tra Chương trình số 07-CTr/TU tại quận Đống Đa. Ảnh: Bá Hoạt.

- Xin đồng chí chia sẻ đôi nét về kết quả thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại thành phố Hà Nội trong thời gian qua?

- Những năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, lâu dài dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.

Thành ủy Hà Nội khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU với tinh thần chủ động, quyết tâm chính trị cao. Thành ủy đã ban hành 30 văn bản, Ban Chỉ đạo Chương trình ban hành 41 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Quá trình tổ chức thực hiện đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu “kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”, góp phần giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Qua tổng kết có thể thấy, Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) có nhiều cách làm mới, hiệu quả. Thành ủy đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU do đồng chí Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban; ban hành quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện 13 chuyên đề. Việc tổ chức triển khai thực hiện các chuyên đề đã phát huy hiệu quả trên từng lĩnh vực, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chương trình 07-CTr/TU đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện, về cơ bản các chỉ tiêu đều đã đạt được.

- Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả rõ nét sau khi Thành ủy Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về những kết quả này?

- Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và xác định lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và của cán bộ, đảng viên hằng năm; tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra chuyên ngành khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng đều được chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật; từ thành phố đến cơ sở đều tập trung giải quyết kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng; các vụ án về tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời; không có án về tham nhũng bị cấp trên hủy, sửa; không xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm; các vụ án về tham nhũng giải quyết trong hạn theo quy định của pháp luật; các chức danh tư pháp, cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được đào tạo đúng chuyên ngành, có năng lực, trình độ chuyên môn sâu, có phẩm chất đạo đức tốt, công minh, liêm chính.

- Trong quá trình triển khai Chương trình số 07-CTr/TU cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, đồng chí có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Thực tế triển khai Chương trình số 07-CTr/TU cho thấy, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp như: Quy định về việc nộp lại quà tặng; việc chuyển đổi vị trí công tác; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình phụ trách; việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập để phòng ngừa tham nhũng… còn bất cập.

Ngoài ra, tính chủ động trong công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng tại các địa phương, đơn vị còn hạn chế; một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao, chưa có biện pháp hữu hiệu để phát hiện và xử lý triệt để.

Công tác giám định để xác định căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tội phạm tham nhũng còn bất cập. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn hạn chế. Nạn sách nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của cán bộ, công chức ở một số ngành, lĩnh vực vẫn còn, gây bức xúc trong xã hội...

- Xin đồng chí chia sẻ thêm về những giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 07-CTr/TU trong thời gian tới?

- Mục tiêu mà Thành ủy Hà Nội đặt ra là đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tạo chuyển biến rõ rệt, không để xảy ra các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Thành ủy Hà Nội cũng nêu rõ quan điểm: Kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để “không thể tham nhũng”; cơ chế răn đe, trừng trị để “không dám tham nhũng”; cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”; cơ chế giáo dục liêm chính để “không muốn tham nhũng”.

10 giải pháp cũng đã được Thành ủy Hà Nội đề ra để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình số 07-CTr/TU. Trong đó, sẽ chú trọng việc nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thành ủy cũng xác định phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin, truyền thông của thành phố và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án: “Đẩy mạnh công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố”...

Sau Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, căn cứ Nghị quyết Đại hội, Thành ủy Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành chương trình của nhiệm kỳ mới về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để quán triệt, triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ thành phố.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến tích cực về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.