Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến căn bản

Duy Biên| 07/11/2018 06:19

(HNM) - Từ khi được ban hành (năm 2012), Luật Giáo dục đại học đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân...


Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, cấp độ đào tạo đại học ở nước ta hiện đang tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Đó là, hệ thống đào tạo đại học còn khép kín, thiếu liên thông giữa các trình độ, các phương thức đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Phương pháp đào tạo lạc hậu, chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều; tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá còn thiếu thực chất, mang bệnh thành tích. Giáo dục đại học chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, nhu cầu thị trường... Thậm chí, giáo dục đại học đã có nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận. Gần đây nhất là câu chuyện ồn ào liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018; hay như trước đó là việc bổ nhiệm hiệu trưởng tại Trường Đại học Hoa Sen bị “vướng” vì những yêu cầu liên quan tới kinh nghiệm, thâm niên quản lý đại học...

Thực tế đó đòi hỏi đào tạo đại học cần phải có chuyển biến, thay đổi căn bản, nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước cũng như hội nhập quốc tế. Đặc biệt, cùng với yêu cầu thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, những hạn chế, bất cập này của Luật Giáo dục đại học đã trở thành những "điểm nghẽn", "nút thắt" trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học.

Hiện những hạn chế của Luật Giáo dục đại học cũng đã được “nhận diện”, như: Chưa quy định rõ về quyền tự chủ đại học và quản trị đại học. Các quy định về tài chính, tài sản chưa hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn (đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế…) của các cơ sở giáo dục đào tạo còn bị hạn chế. Quản lý đào tạo còn chưa phù hợp với xu hướng quốc tế. Quản lý nhà nước còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện tự chủ đại học…

Mặc dù còn nhiều ý kiến, song rõ ràng việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là cần thiết để tạo hành lang pháp lý một cách kịp thời cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trong đó, cùng với việc giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học thì trách nhiệm quản lý nhà nước có nhiều thay đổi, chuyển từ quản lý sang tạo hành lang pháp lý, giám sát. Đồng thời cũng phải làm rõ những vấn đề như: Quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư cho giáo dục đại học; đổi mới phương thức đầu tư, đa dạng hóa nguồn thu; rà soát quy định về tài chính, tài sản và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đồng bộ với pháp luật liên quan; quy định rõ chính sách xã hội hóa giáo dục đại học...

Suy cho cùng, cái đích của sự nghiệp đào tạo đại học ở nước ta là đào tạo ra đội ngũ nhân lực trình độ, có tư duy mới, có óc sáng tạo và năng lực hành động tương ứng với những ngành nghề cụ thể. Để thực hiện được điều này, giáo dục đại học cần đổi mới căn bản phương cách đào tạo, thay đổi nội dung, từ quá trình chuyển giao tri thức sang quá trình phát triển năng lực sáng tạo cho người học. Người được đào tạo sẽ trở thành một mẫu hình hành động đạt chuẩn nghề nghiệp thay vì một “cái kho” chứa kiến thức thuần túy.

Cũng vì thế, chỉ khi tạo ra những chuyển biến, thay đổi căn bản sẽ tạo cú "hích" nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đáp ứng với tình hình thực tiễn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến căn bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.