Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo bệ phóng cho ý tưởng khởi nghiệp

Ánh Tuyết| 05/08/2016 06:47

(HNM) - Ngày 18-5-2016, với việc ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm hỗ trợ, tạo bệ phóng nhằm đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng về vấn đề này.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng thí điểm dự án khởi nghiệp dựa trên mô hình Thung lũng Silicon - Việt Nam. Ảnh: Linh Ngọc



- Thưa ông, hiện nay Bộ KH&CN đã thí điểm xây dựng những mô hình khởi nghiệp như thế nào?

- Từ năm 2011, Bộ KH&CN đã xây dựng thí điểm một dự án mô hình khởi nghiệp dựa trên mô hình Thung lũng Silicon - Vietnam Silicon Valley (VSV). Cách thức triển khai được thực hiện dựa trên cơ sở học tập theo phương thức của Mỹ, Israel và các mô hình đang thịnh hành trên thế giới.

Gần đây, nội dung của hệ sinh thái khởi nghiệp tập trung vào giải quyết các vấn đề về cơ chế, chính sách, qua đó đưa ra hướng đi cho những người khởi nghiệp dựa trên tinh thần đổi mới sáng tạo. Ví dụ như bên cạnh nguồn đầu tư của Nhà nước thì việc huy động kinh phí từ tư nhân sẽ được thực hiện ra sao; với dự án thất bại thì tiền ngân sách được xem xét như thế nào? Ai quản lý khoản tiền đó?... Đó là những vấn đề phải được điều chỉnh theo luật, bởi có như vậy thì nhà đầu tư hay những người quản lý các quỹ mới có thể yên tâm được, Nhà nước mới có thể xem xét bỏ tiền vào các quỹ. Ngoài ra, còn có các vấn đề liên quan đến việc di chuyển nguồn tài chính từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại…

Hiện nay, đã bắt đầu xuất hiện những khu làm việc chung, người khởi nghiệp đến đó sẽ được đào tạo, học tập, rèn luyện và hình thành nên doanh nghiệp của mình nhờ sự hỗ trợ của những chuyên gia giỏi về tài chính, khoa học, thị trường, pháp luật. Ở khu vực phía Bắc, có một số khu làm việc tập trung đã đi vào hoạt động, ví dụ như tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia. Đây là địa điểm thường xuyên có hơn 50 người khởi nghiệp lui tới. Hay như Tòa nhà Sáng tạo tại số 1 Lương Yên (Hà Nội), nơi một người từng có được thành công trong công tác khởi nghiệp đã xây dựng một sàn hơn 800m2 để làm địa điểm hoạt động cho nhiều người khởi nghiệp.

- Bộ KH&CN và Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc phát động hệ sinh thái khởi nghiệp, Đề án khởi nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành là một minh chứng. Vậy, làm thế nào để hoạt động này đem lại hiệu quả cao, thưa ông?

- Làm khởi nghiệp theo kiểu phong trào thì khó thành công và khó có hiệu quả lâu dài được. Đây là vấn đề mà chúng tôi cũng đang suy nghĩ, luôn trăn trở để tìm giải pháp khả thi. Để hệ sinh thái khởi nghiệp đem lại hiệu quả cao nhất, trước tiên bản thân những người tham gia phải được đào tạo, cung cấp kiến thức và có kỹ năng để làm cho đúng, không nên thấy người khác bỏ tiền làm thì mình cũng làm theo. Để tránh tính phong trào, những nhà đầu tư cần có kiến thức thay vì nhắm mắt bỏ tiền ra và hy vọng có lợi nhuận. Bên cạnh tiền, nhà đầu tư có thể tham gia đóng góp kiến thức về quản trị doanh nghiệp, pháp luật, sở hữu trí tuệ, công nghệ. Có như thế, khởi nghiệp mới thành công. Cũng phải chia sẻ thêm rằng, 100 người nhận được sự hỗ trợ khởi nghiệp thì chỉ có 5-6 người thành công, vậy thì luôn phải sẵn sàng trước khả năng thất bại. Kinh nghiệm thế giới và ở Mỹ cho thấy, nhiều nơi rất thích đầu tư vào những người thất bại vì sự thất bại sẽ cho họ kinh nghiệm làm khởi nghiệp; còn, nếu ngay từ đầu đã thành công có khi sau này khó phát triển thành doanh nghiệp lớn được. Những lần trả giá sẽ giúp họ lớn lên.

- Vậy Bộ KH&CN có phương án hỗ trợ thế nào đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là hỗ trợ các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp?

- Chương trình phát triển thị trường của Bộ KH&CN đang xây dựng có rất nhiều nội dung, trong đó có những vấn đề như hoạt động kết nối cung cầu, tạo điều kiện phát triển thị trường, nghiên cứu điều tra thị trường… Chúng ta phải mở rộng các điều kiện để có thể kết nối với thị trường nước ngoài, rồi xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho từng sản phẩm. Những kiến thức ấy được đưa vào trong quá trình hỗ trợ để doanh nghiệp xác định được thị trường, nhìn thấy nơi tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có những chương trình phát triển thị trường, xúc tiến thương mại. Những chương trình đó giúp các doanh nghiệp không chỉ phát triển tại thị trường trong nước, mà còn vươn ra nước ngoài.

Hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin của Việt Nam rất tốt; sau này, thông tin liên quan đến khởi nghiệp sẽ được đưa lên hệ thống và mạng xã hội, tạo điều kiện cho mọi người thường xuyên giao lưu, cập nhật, chia sẻ thông tin. Hy vọng rằng, thông tin triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp từ Bộ KH&CN sẽ tới được với tất cả các bạn trẻ và mọi người sẽ chủ động tham gia các chương trình, dự án của Bộ KH&CN ngay từ giai đoạn khởi động. Hiện nay, Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đang được tập trung xây dựng.

- Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo bệ phóng cho ý tưởng khởi nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.