Trong những năm gần đây, thực hiện định hướng phấn đấu xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội thành đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, nhà trường đã từng bước triển khai nhiều chủ trương và giải pháp đổi mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao tri thức, chuyển giao công nghệ, xây dựng và phát triển hướng nghiên cứu mới nhằm hội nhập khu vực và thế giới.
Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp
Với định hướng trở thành đại học hàng đầu khu vực về khoa học và công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội không ngừng nâng cao năng lực và uy tín khoa học thông qua các hoạt động nghiên cứu.
Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường đã quy hoạch phát triển 4 lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên (Công nghệ dữ liệu và hệ thông minh; Năng lượng và môi trường bền vững; Vật liệu mới; Khoa học và công nghệ sức khỏe) và xây dựng các phòng thí nghiệm đào tạo, phòng thí nghiệm nghiên cứu bảo đảm tính tinh gọn, hiệu quả.
Đến nay, nhà trường đã hình thành một số nhóm nghiên cứu đạt tiêu chuẩn nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó đã triển khai thiết kế và chế tạo chip, chế tạo cảm biến dựa trên công nghệ sản xuất chip, nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo linh kiện công suất tần số cao trên nền vật liệu bán dẫn GaN.
Nhà trường cũng xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp bao gồm lõi hoạt động là sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của 6 trường, 6 viện nghiên cứu, 44 phòng thí nghiệm và trên 100 nhóm nghiên cứu. Đồng thời, thường xuyên hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ,sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trên tinh thần tự do học thuật. Qua đó, kết quả nghiên cứu khoa học của nhà trường cũng tăng lên mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Năm 2023, trường có 173 đề tài với tổng kinh phí đạt trên 44 tỷ đồng. Số công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10% năm (năm 2023 đạt 1.949 công bố, trong đó có 1.100 công bố thuộc hệ thống ISI/Scopus, tăng khoảng 1,36 lần so với năm 2019). 29 văn bằng độc quyền sở hữu trí tuệ được cấp năm 2023, tăng 1,6 lần so với năm 2019. Đặc biệt, Đại học Bách khoa Hà Nội là trường duy nhất của Việt Nam được Clarivate (tổ chức uy tín hàng đầu thế giới trong việc cung cấp thông tin và phân tích chất lượng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo) trao Giải thưởng sáng tạo trong 2 năm liền; được vinh danh “Ngôi sao sáng chế IPStar 2021” với 63 bằng sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp trong giai đoạn 2016-2021.
Một thành tựu quan trọng trong việc đẩy mạnh việc khai thác kết quả nghiên cứu của nhà trường là sự ra đời của Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK-Fund). Quỹ không đơn thuần là một quỹ đầu tư mạo hiểm mà còn là nơi cung cấp mạng lưới cố vấn, đối tác kinh doanh cho các phát minh, sáng chế, các startup từ giai đoạn ý tưởng đến thương mại hóa.
Cùng với hệ sinh thái nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhà trường đã xây dựng được 2 không gian làm việc, sáng tạo chung; tổ chức gần 50 khóa học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút được gần 50 nhà sáng lập, hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ và hơn 700 sinh viên cùng tham gia; tổ chức 10 cuộc thi; xây dựng được 3 chương trình cố vấn và 2 mạng lưới nhà đầu tư thiên thần; hình thành được 9 công ty Spin-off, 1 doanh nghiệp xã hội và 80 công ty Start-up; tổ chức được 1 Fablab (phòng thí nghiệm chế tạo).
Đẩy mạnh kết nối nguồn lực
Đại học Bách khoa Hà Nội hiện là đơn vị thường trực của mạng lưới 29 trường đại học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác để giải quyết các bài toán mà doanh nghiệp đối mặt trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, nhà trường còn không ngừng mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức đơn vị khác trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp cũng được chú trọng thông qua các thỏa thuận hợp tác chiến lược, các chương trình hợp tác nghiên cứu, chủ trương tổ chức các phòng thí nghiệm dùng chung giữa trường và doanh nghiệp cũng như các đề tài nghiên cứu đặt hàng từ doanh nghiệp.
Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Đăng Chính chia sẻ, bên cạnh những thuận lợi, nhà trường vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Đó là việc các nhà khoa học không thể tham gia vào việc hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường do vướng một số luật và nghị định; nguồn ngân sách nhà nước dành riêng cho hoạt động hỗ trợ sinh viên, cán bộ trẻ khởi nghiệp còn chưa có; nguồn vốn tài trợ từ ngân sách nhà nước, địa phương cho thành lập và hoạt động của các vườm ươm doanh nghiệp còn rất nhỏ; các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về bản quyền và sở hữu trí tuệ; không thể định giá tài sản trí tuệ để thành lập các doanh nghiệp Spin-off và Start-up. Đáng lưu ý, việc kêu gọi đầu tư bên ngoài gặp rất nhiều khó khăn vì các dự án khởi nghiệp của sinh viên, đặc biệt là các dự án về khoa học công nghệ thường có rủi ro cao nên các nhà đầu tư không mặn mà...
“Thời gian tới, chúng tôi mong thành phố Hà Nội có ngân sách dành riêng cho hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; tạo điều kiện được tiếp cận mạng lưới doanh nghiệp trên địa bàn nhằm gắn nghiên cứu khoa học và đào tạo với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp”, Phó Hiệu trưởng Huỳnh Đăng Chính nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.