(HNM) - Ngay trong những ngày đầu năm mới, hai mặt hàng thiết yếu là sữa và xăng dầu đã rục rịch điều chỉnh giá bán. Mặc dù việc tăng giá bán lẻ xăng, dầu chưa được cơ quan quản lý chấp thuận, song áp lực tăng giá hàng thiết yếu đã xuất hiện.
Sữa bột, một trong những mặt hàng thiết yếu rục rịch tăng giá, tiếp tục tạo áp lực cho việc kiềm chế lạm phát. Ảnh: Đàm Duy |
Giá xăng, giá sữa vì sao đòi tăng giá?
Trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, một số đại lý sữa tại Hà Nội cho biết đã nhận được thông báo tăng giá của hãng sữa ngoại. Giá các loại sản phẩm Dumex Gold tăng 8-9%. Cùng thời điểm này, sữa bột sản xuất trong nước dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tăng nhẹ 1-3%. Cụ thể, sữa bột Dumex Gold hương tự nhiên 800g bước 3 từ 356.000 đồng lên 392.000 đồng/hộp. Dumex Gold hương tự nhiên Vanilla 1,5kg bước 3 từ 595.000 đồng lên 655.000 đồng/hộp, Dumex Gold hương tự nhiên 1,5kg bước 4 từ 449.000 đồng tăng lên 494.000 đồng. Sữa bột Enfa Mama A Vanilla 900g tăng từ 351.000 đồng lên 387.000 đồng… Nguyên nhân tăng giá được Dumex lý giải là do thay đổi mẫu mã bao bì. Từ ngày 17-2, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng điều chỉnh tăng giá bán khoảng 7% một số nhóm sản phẩm để bù đắp một phần chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu đã tăng hơn 20% từ giữa năm 2012. Đối với những mặt hàng tham gia bình ổn giá từ ngày 1-4-2012 như sữa nước, sữa bột cho trẻ em, sữa cho người già và người bệnh, Vinamilk vẫn thực hiện đúng theo cam kết cho đến ngày 1-4.
Một thông tin nữa đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là các DN kinh doanh xăng dầu báo lỗ. Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), PVOil khẳng định bị lỗ từ 1.000 đến 1.800 đồng/lít. Họ cho biết, giá xăng A95 tại Singapore trong 30 ngày qua liên tục tăng từ mức 118,28 USD/thùng (ngày 14-1) lên mức trên 135 USD/thùng. Ngày 15-2, giá xăng A95 đã lên tới 136,5 USD/thùng. DN chịu lỗ phổ biến khoảng 1.800 đồng/lít xăng dầu bán ra; ở một số đơn vị nhập nhiều trong thời gian gần đây, chênh lệch có thể lên tới 3.000 đồng/lít. Đại diện PVOil cho biết, xăng lỗ khoảng 1.000 đồng/lít và 400-500 đồng với dầu. Theo một số đầu mối kinh doanh khác, sau khi trừ 1.000 đồng mỗi lít xăng dầu bán ra đang được sử dụng từ Quỹ bình ổn giá, DN vẫn lỗ khoảng 800 đồng/lít.
Thận trọng điều chỉnh giá hàng thiết yếu
Tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 1,25% so với tháng trước. Nguyên nhân là do giá thực phẩm và dịch vụ y tế tăng mạnh. Hai mặt hàng thiết yếu là sữa bột và xăng dầu rục rịch tăng giá tiếp tục tạo ra áp lực cho việc kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Theo các chuyên gia, nếu tăng giá xăng dầu thêm 1.000 đồng, CPI tháng 3-2013 sẽ tăng khoảng 0,12-0,16%. Tuy nhiên, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa lạm phát xuống dưới 6,8% và tăng trưởng khoảng 5,5% của Chính phủ, nhiều biện pháp đã được các ngành chức năng thực hiện. Từ ngày 15-1 đến 8-2, liên bộ Tài chính - Công thương 3 lần liên tiếp quyết định giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu, cho phép các DN tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá từ 200 đồng đến 500 đồng mỗi lít xăng dầu bán ra để bù lỗ. Trong đó, mức trích quỹ với mặt hàng xăng tăng từ 500 đồng mỗi lít lên 1.000 đồng, dầu diesel và madut: 200 đồng, dầu hỏa: 300 đồng mỗi lít.
Khách hàng mua xăng tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên đường Xuân Thủy. Ảnh: Như Ý |
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục đánh giá toàn diện việc thi hành Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, xác định rõ các mặt được và hạn chế, bất cập trong nội dung của nghị định này cũng như trong điều hành kinh doanh xăng dầu, trình Chính phủ trước ngày 30-6-2013. Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn về hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu; chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí hoa hồng đại lý; quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối để bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị định 84.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát, một giải pháp nữa có thể được Chính phủ thực hiện là giảm thuế nhập khẩu xăng dầu thêm 2-4% so với 12% hiện tại. Như vậy, CPI tháng 3 sẽ chỉ tăng thêm 0,05-0,1%. Trong trường hợp thuế nhập khẩu xăng chỉ giảm 2% nhằm bảo đảm cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước, có thể khiến CPI tháng 3 tăng thêm 0,06-0,1%.
Trong bối cảnh hiện nay, việc DN, Nhà nước, người dân cùng san sẻ áp lực tăng giá sẽ giảm bớt tốc độ tăng lạm phát. Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý, ý thức chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về giá của mỗi DN đóng vai trò quan trọng nhằm giữ ổn định giá hàng thiết yếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.