(HNM) - Nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường xử phạt các hành vi xả rác không đúng quy định, đồng thời hạn chế tối đa các điểm tập kết rác trong nội thành.
Một khu phố tại phường Cát Lái, (quận 2) được người dân đóng góp lắp đặt thùng rác nên luôn sạch, đẹp. |
Ý thức bảo vệ môi trường chưa cao
Vừa thức dậy, bước ra khỏi nhà đã thấy đống rác thải to tướng vứt bừa bãi ngay trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Thập, ông Bùi Văn Cường (ngụ phường Bình Thuận 7, quận 7), bức xúc: “Tôi chắc chắn rằng đối tượng vứt đống rác này không phải là người địa phương. Có thể người ở đâu đó lợi dụng đêm khuya, trời tối đem rác đến đổ trộm”. Đây là một trong những hành vi gây ô nhiễm môi trường đô thị đang khiến các cơ quan chức năng “đau đầu” trong xử lý, bởi đối tượng xả rác thường lén lút nên khó bắt tận tay để xử phạt.
Trong khi đó, tại phường Hiệp Thành, quận 12, ngay mặt tiền đường Dương Thị Mười (một trong những trục đường chính của quận) tồn tại bãi tập kết rác tạm. Dù là tạm nhưng bãi tập kết rác này đã tồn tại hơn chục năm nay, vượt sự kiểm soát về mức độ ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, do chưa có trạm trung chuyển rác được xây dựng theo quy hoạch nên nhiều năm nay UBND quận 12 đã thiết lập bãi rác tạm tại khu phố 6, phường Hiệp Thành để tập kết và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tồn tại không ít bãi rác tự phát. Nhiều bãi rác hình thành ngay vỉa hè các tuyến đường, cạnh khu dân cư hay tại các khu đất trống khiến phát sinh mùi hôi và côn trùng. Trong khi đó, theo các ngành chức năng, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn kém. Có tình trạng nhà này “đẩy” rác thải sang nhà khác, hoặc vứt tại các bãi đất trống để không phải đóng phí thu gom rác.
Nói về tình trạng xả rác bừa bãi tại một số nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho rằng, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, đặc biệt là hành vi xả rác. “Nhiều nơi có lắp đặt thùng rác nhưng không ít người vẫn tiện tay vứt rác xuống đường. Hành vi này cần xử phạt thật nặng để răn đe”, bà Triệu Lệ Khánh đề nghị.
Trích xuất camera để "phạt nguội"
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày toàn thành phố phát sinh khoảng 8.900 tấn rác thải sinh hoạt. Riêng khu vực công cộng phát sinh khoảng 2.300 tấn rác/ngày. Hộ gia đình, cá nhân là những đối tượng chủ yếu có hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt hơn 450 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, việc bắt tận tay đối tượng xả rác để xử phạt rất khó và không khả thi. Tuy nhiên, hiện hầu hết các địa phương đã có camera giám sát an ninh, trật tự, giao thông trên địa bàn. Việc tận dụng mạng lưới camera này và cho phép địa phương sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera làm chứng cứ xử phạt là phù hợp với thực tế hiện nay.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND TP Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo UBND các quận, huyện đăng ký 1 hoặc 2 điểm thường xuyên bị ô nhiễm môi trường do rác thải để tổ chức ra quân quét dọn, xử lý dứt điểm việc xả rác. Mỗi quận, huyện sẽ chọn 1 phường, xã để tổ chức ký kết với nhân dân về phương thức thu gom rác. Đồng thời, UBND các quận, huyện xây dựng đội xung kích tại mỗi phường, xã để thu gom rác của các hộ dân đổ rác sai quy định và đề xuất xử lý các trường hợp này.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường hiện nay chưa đầy đủ, đồng bộ, trong khi lực lượng thường trực thực hiện chức năng kiểm tra, xử phạt còn mỏng. Vì vậy, thành phố sẽ giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi xả rác nơi công cộng cho các đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng các địa bàn. Thành phố cho phép dùng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh để “phạt nguội” các hành vi xả rác, tiểu tiện bừa bãi.
Đối với việc xử lý các trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm, theo định hướng quy hoạch vị trí trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025, thành phố sẽ dừng hoạt động 9 trạm hiện hữu, trong đó có trạm trung chuyển tạm tại phường Hiệp Thành (quận 12).
Từ năm 2025 đến năm 2050, thành phố sẽ ngưng hoạt động, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 6 trạm trung chuyển. Đồng thời, thành phố sẽ đầu tư xây mới 2 trạm trung chuyển cấp thành phố tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu quy hoạch xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.