(HNM) - Đến thời điểm này, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch đạt 38,9%, tăng 3,3% so với năm 2015 và cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp đột phá thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ khó hoàn thành mục tiêu 100% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch. Người dân tiếp tục đối diện tình trạng thiếu nước vào mùa hạn, phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm để sinh hoạt...
Dự án cấp nước sạch liên xã Tam Hưng - Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) đang được hoàn thiện, đưa vào hoạt động.Ảnh: Bá Hoạt |
Nhu cầu bức thiết
Theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ) và thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ (Ứng Hòa) là 2/10 làng có chất lượng nước sinh hoạt thấp nhất Việt Nam. Sau 5 năm “gắn bó” với tên gọi “làng ung thư” đến nay, người dân nơi đây vẫn chưa có nguồn nước sạch lâu dài nào để thay thế, và vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương ven sông Nhuệ, như Cự Khê (Thanh Oai), Tiền Phong (Thường Tín), Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), Đông Lỗ (Ứng Hòa)… chất lượng nước đều không đạt tiêu chuẩn. Nhiều mẫu nước lấy từ giếng khoan với độ sâu 40-50m vẫn có mùi hôi…
Bước vào mùa khô hạn, nhiều giếng khoan, giếng khơi bị cạn kiệt, nông dân các xã Trung Hòa, Trường Yên (Chương Mỹ), Chàng Sơn (Thạch Thất)… phải mua nước sinh hoạt. Tại đây, mỗi khối nước bơm từ giếng khơi, không qua lọc vẫn được bán với giá trên dưới 100.000 đồng, cao gấp gần 20 lần so với giá nước sạch đô thị.
Để giải quyết bức xúc của nhân dân, thời gian qua, thành phố đã triển khai xây dựng các trạm cấp nước cho các địa phương, tuy nhiên sự yếu kém trong quản lý đã khiến nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố sử dụng không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang… Điển hình tại huyện Chương Mỹ, nước thì không có nhưng vẫn có trạm cấp nước bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả.
Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT), cuối năm 2016, khu vực ngoại thành còn khoảng 2,5 triệu người chưa được sử dụng nước sạch. Các huyện có tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thấp là Chương Mỹ 27%, Thường Tín 27,5%, Ứng Hòa 28%, Mỹ Đức 30%... Điều đáng lo ngại, chất lượng nguồn nước ngầm tại những huyện trên rất thấp, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
Cần nhiều giải pháp
Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát đã đầu tư 3 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa trạm cấp nước sạch sinh hoạt cho 3.000 người dân xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). |
Để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong đầu tư công, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nguồn lực xây dựng công trình cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, do dân số sinh sống không tập trung, địa bàn rộng nên suất đầu tư công trình xử lý, cấp nước sạch nông thôn rất lớn, ví dụ tại huyện Ba Vì khoảng 23,5 triệu đồng/hộ. Trong khi đó, thói quen của nhân dân sử dụng nhiều nguồn nước mưa, giếng khoan, giếng đào khiến một số nhà máy nước sạch ở Thanh Oai, Ba Vì… không thể khai thác tối đa công suất. Đây chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư vào lĩnh vực xử lý, cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, do mất quá nhiều thời gian cho việc hoàn thành các thủ tục đầu tư, nhất là lĩnh vực đất đai, giấy phép khai thác nước ngầm… nên nhiều doanh nghiệp nản lòng.
Nhằm giải quyết những bức xúc dân sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch thay cho nước hợp vệ sinh. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội cần hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, đây là áp lực rất lớn đối với ngân sách thành phố. Giải bài toán đó, Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp để thu hút nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp, tư nhân: Thống nhất giao Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về lĩnh vực cấp nước sạch; giao Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội triển khai thí điểm và sẽ nhân rộng mô hình cấp nước quy mô hộ, nhóm hộ, thôn… sử dụng công nghệ xử lý nước hiện đại của Cộng hòa Liên bang Đức.
Song song đó, thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa. Đối với doanh nghiệp đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, Hà Nội hỗ trợ thủ tục đầu tư, bảo đảm thông thoáng, nhanh gọn; hỗ trợ lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại; giới thiệu ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi…
Với những chính sách hỗ trợ trên, tính đến ngày 15-11, Hà Nội đã thu hút 22 doanh nghiệp đăng ký đầu tư 39 dự án, với tổng số vốn 10.190 tỷ đồng. Hoàn thành các dự án này, khoảng 2,232 triệu người, tương đương 62% dân số khu vực nông thôn đang sinh sống ở 220 xã thuộc 15 huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh sẽ được cấp nước sạch.
Tuy nhiên, để các công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động bền vững, các địa phương cũng cần tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn nước và hiểu rõ lợi ích sử dụng nước sạch đối với sức khỏe con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.