Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng trưởng trên nền tảng sáng tạo

Hồng Sơn| 14/01/2015 05:52

(HNM) - Nền kinh tế vừa đi qua năm 2014 với nhiều thách thức, bước vào năm 2015, dự báo nhiều khó khăn vẫn hiện diện trước các doanh nghiệp (DN) và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ mỗi đơn vị, với sự hỗ trợ, chủ động từ cơ quan chức năng. Phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về vấn đề này…

- Bộ trưởng có thể cho biết tầm quan trọng của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa ra đời trong năm 2014?

- Như đã biết, Luật Đầu tư và Luật DN năm 2005 là một bước thay đổi quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thành lập, phát triển kinh tế. Đã có hàng trăm nghìn DN ra đời dưới tác động tích cực của hai luật này. Tuy nhiên, trước những thay đổi nhanh chóng, nhất là đòi hỏi trong thời kỳ tăng tốc hội nhập kinh tế quốc tế thì cần có sự thay đổi mang tính đột phá, thật sự thông thoáng để đáp ứng yêu cầu tham gia kinh doanh của người dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn thảo, trình Chính phủ và được Quốc hội thông qua Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi, với tinh thần bảo đảm nguyên tắc tự do kinh doanh, mọi công dân đều được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Đây là nội dung quan trọng nhất, có tính chất đột phá để thúc đẩy, thu hút nguồn vốn trong xã hội. Cùng với những điều kiện khác, các cá nhân có thể thực hiện việc kinh doanh với chi phí rẻ nhất, thủ tục đơn giản nhất trên tinh thần bảo đảm sự minh bạch, công bằng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tôi cho rằng, thời gian tới số DN ủng hộ và tham gia vào thị trường sẽ tăng hơn nhờ sự thuận lợi khi triển khai hai luật nói trên.

- Dư luận hoan nghênh nội dung của luật nhưng vẫn tỏ ra quan ngại về tác dụng thực sự của nó khi đi vào cuộc sống. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao?

- Đó là một thực tiễn và muốn hạn chế vấn đề này trước hết cần làm tốt công tác soạn thảo văn bản dưới luật, như các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Làm sao để những văn bản đó có nội dung phù hợp, chính xác, dễ hiểu để thực hiện. Thậm chí, đã có những trường hợp văn bản thiếu nhất quán về cách hiểu, nhất là giữa cơ quan quản lý và đối tượng thực hiện. Không loại trừ khả năng một bộ phận nhỏ cán bộ chưa đủ tinh thần trách nhiệm, không thông suốt quan điểm lấy DN làm đối tượng phục vụ hoặc cố tình hiểu sai lệch nội dung các văn bản pháp lý, từ đó gây phiền hà, khó khăn cho DN. Cần có thời gian để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tôn vinh trách nhiệm và nhất quán giữa chính sách với quá trình triển khai thực hiện cũng như từng bước hình thành bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả, vì DN.

- Vấn đề đổi mới thể chế và kết quả của công tác này có ảnh hưởng thế nào đối với sự phát triển của kinh tế nước ta giai đoạn tới?

- Việc đổi mới thể chế kinh tế là yêu cầu liên tục. Chúng ta cũng cần nhận thức là Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các khung khổ pháp lý, trong đó tập trung vào nghiên cứu, ban hành các luật để bắt kịp xu hướng thời đại, phù hợp tập quán quốc tế; nhất là tạo điều kiện để DN hoạt động ổn định. Đổi mới thể chế bao giờ cũng vất vả nhưng có thể mang lại những kết quả to lớn. Đơn cử, nhờ thể chế mới, thay đổi cách quản lý mà Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo, thay vì thiếu lương thực trong nhiều năm trước.

Những năm qua, tuy nền kinh tế tăng trưởng khá nhanh, đạt nhiều thành tựu tích cực nhưng chủ yếu theo chiều rộng, tức là dựa vào khai thác tài nguyên, nhân công rẻ và vốn đầu tư thuần túy. Từ nay cần tập trung mọi biện pháp, nguồn lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo mô hình mới, có chiều sâu và dựa trên nền tảng là sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và năng suất lao động. Tất cả nhằm sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao nhưng chỉ sử dụng ít nguyên liệu đầu vào. Đây là sự lựa chọn hợp lý, tỉnh táo bởi đến nay nhiều điều kiện, nguồn lực đã được khai thác quá nhiều, đã tới hạn và không còn là điều kiện tốt, càng không là lợi thế trong phát triển kinh tế thời hội nhập.

- 2015 dự báo vẫn sẽ là một năm vất vả đối với nền kinh tế nước ta. Bộ trưởng có chia sẻ gì với cộng đồng DN và nhà đầu tư?

- Năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các cơ quan, ngành hữu quan và các địa phương làm tốt công tác kế hoạch, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Tôi nhấn mạnh là phải quản lý tốt hoạt động đầu tư công, đúng dự án và dứt điểm; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ ngân sách. Thống nhất quan điểm đầu tư theo tầm nhìn trung hạn thay vì ngắn hạn. Ngoài ra, thực hiện tốt đầu tư công cũng là góp phần phòng, chống tham nhũng, tạo sự công bằng xã hội, gia tăng niềm tin đối với DN. Chúng tôi cũng sẽ tham gia và tập trung nghiên cứu nội dung Luật Quy hoạch, Luật Đặc khu kinh tế hoặc luật riêng về DN nhỏ và vừa…

Đối với cộng đồng DN, theo tôi năm 2015 vẫn sẽ phải đối diện nhiều thử thách, trong đó có áp lực từ việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và sẽ đẩy cạnh tranh lên mức cao hơn bên cạnh việc Việt Nam phải thực hiện những cam kết hội nhập quốc tế khác. Tôi cũng thấy lo ngại về "sức khỏe" của DN vì nhiều đơn vị chưa hết khó khăn, nội lực hạn chế.

Về phía mình, Bộ sẽ thường xuyên theo dõi, hỗ trợ DN, kết hợp với ngành chức năng trong việc hỗ trợ DN xây dựng và quảng bá thương hiệu, trong đó đặc biệt quan tâm đến DN tư nhân. Năm 2015 phải có dấu ấn trong việc tăng cường hỗ trợ DN một cách thiết thực. Mặt khác, DN "nội" cũng cần chủ động gắn kết, phát triển công nghiệp phụ trợ và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ DN "ngoại". Tất cả nhằm hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả, là động lực phát triển kinh tế. Dự báo, số lượng DN phải ngừng hoạt động, phá sản sẽ thấp hơn năm 2014.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng trên nền tảng sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.