(HNM) - Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự ngày 3-11 của Quốc hội, việc đẩy nhanh tiến độ thi hành án có vẻ như đã tìm thấy
Các giải pháp chính được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất là: Xóa "cắt khúc" giữa công tác xét xử và công tác thi hành án dân sự; gắn vai trò, trách nhiệm của tòa án đối với bản án; miễn thi hành án đối với một số nhóm đối tượng không có khả năng thực hiện.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực tồn đọng nhiều khó khăn đối với công tác thi hành án dân sự. Ảnh: Linh Ngọc |
Án có hiệu lực nhưng không thể thi hành
Dẫn chứng một số vụ án kéo dài 5-7 năm mới có được phán quyết của cơ quan xét xử cao nhất, chưa kể có khi còn phải qua tiến trình kháng nghị tới năm lần bảy lượt, đến khi bản án có hiệu lực của tòa án thì lại rất khó thi hành, khiến người có quyền, nghĩa vụ liên quan chán nản, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cảnh báo: Nói đến thi hành án phải nhắc đến trách nhiệm của tòa án. Vì bản thân bản án phải có tính khả thi ở mức độ cao thì cơ quan thi hành án mới có thể thi hành được. Ví dụ, một căn nhà chỉ có một cái cửa, tòa tuyên anh A. ở trên nhà, anh B. ở dưới nhà, nhưng anh lại không tuyên anh A. đi ra khỏi nhà bằng đường nào... thì cán bộ thi hành án thực thi sao đây? Chính sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án dân sự là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án bị chậm, tồn đọng, nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài do chưa có quy định cụ thể để tòa án kịp thời giải thích, trả lời kiến nghị của đương sự.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, những trường hợp như vậy không thể xử lý lúc thi hành án được mà phải hướng dẫn cho rõ ngay từ lúc tuyên án mới có thể triển khai hiệu quả. Khi mà chưa đặt trọn niềm tin đối với công tác thi hành án, rất có thể khiến một bộ phận người dân, doanh nghiệp tìm đến "xã hội đen" với chi phí không nhỏ để bảo đảm quyền lợi của mình.
Cũng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, ngoài việc phải gắn trách nhiệm của tòa đối với bản án, cần bổ sung quy định các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm thi hành án. Cử tri phản ánh, có trường hợp tài sản, cụ thể là miếng đất đã kết luận quyền sử dụng đất thuộc về họ nhưng khi cầm bản án đi để thực hiện và đăng ký quyền sử dụng đất lại gặp muôn vàn khó khăn.
Một nội dung nữa cũng được nhiều ĐBQH phản ánh đó là, trong những nguyên nhân căn bản khiến việc thi hành án tồn đọng còn là do hệ thống pháp luật thiếu chặt chẽ, nhiều chế tài mơ hồ, rườm rà, nhiều thủ tục không có thời hạn xác định. Sự rườm rà trong công tác thi hành án dân sự được các ĐB dẫn chứng với quy định người thi hành án phải có đơn yêu cầu mới thi hành án. ĐB Phạm Đức Châu (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, quy định này khiến pháp luật không được chấp hành đầy đủ, chưa phù hợp với Hiến pháp và chưa thực sự chủ động bảo vệ quyền lợi của dân, tăng tình trạng tồn đọng thi hành án.
Cũng có ý kiến cho rằng, cần giao việc thi hành án, ra quyết định thi hành bản án cho tòa án để tòa án có trách nhiệm với bản án mình đã tuyên. Mặt khác, vấn đề quan trọng không kém với Luật Thi hành án dân sự là đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuận lợi hơn cho đương sự gắn với tăng cường rà soát án, có hướng khắc phục cụ thể đối với từng trường hợp. ĐB Nguyễn Sơn (Đoàn Hà Nội) dẫn chứng, nhiều bản án rất khó thực hiện vì đương sự là con nghiện, không gia đình, không có tài sản. Vì vậy, cần lập danh sách, có phương án theo dõi, giải quyết phù hợp với tình hình thực tiễn.
Khuyến khích hòa giải
Trả lời các vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: "Không nên để cơ quan chức năng chủ động ra quyết định thi hành án trong mọi trường hợp. Vấn đề dân sự cốt ở hai bên, Nhà nước chỉ can thiệp khi không giải quyết được với nhau. Chúng ta khuyến khích hòa giải, kể cả khi tòa án đã tuyên án. Việc tự giải quyết không chỉ làm giảm gánh nặng của cơ quan thi hành án, mà còn làm tăng tình đoàn kết giữa hai bên. Vì lẽ này, nên áp dụng nguyên tắc để các bên tự nguyện thi hành án. Khi bên phải thi hành cố tình không thực hiện, bên được thi hành án có yêu cầu thì cơ quan thi hành án mới vào cuộc".
Về việc một số ĐB cho rằng, cần giao việc thi hành án cho tòa án, để cơ quan này có trách nhiệm với bản án của mình đã tuyên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: "Ở các nước, việc thi hành án dân sự giao cho Chính phủ hoặc một phần cho xã hội theo phán quyết của tòa án. Cần cân nhắc giao công việc này cho tòa án thực hiện. Vì tòa án chỉ là nơi xét xử, tuyên án". Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng ý với quan điểm tòa án cần có quyết định đưa bản án ra thi hành. Người đứng đầu ngành tư pháp phân tích: Hiến pháp năm 2013 xác định rõ 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, đồng thời đề cao quyền con người, quyền công dân, đặc biệt nhấn mạnh đến quyền sở hữu tài sản. Do đó, luật bổ sung quyết định tòa án ra quyết định đưa bản án ra quyết định thi hành, thể hiện quyền lực nhà nước đối với quyền sở hữu tài sản của con người. Thi hành án, chấp hành viên thi hành án là bên hành pháp chấp hành lệnh của tòa án. Đây là thông lệ quốc tế. Song, bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự phải làm rõ trách nhiệm của tòa án đối với tài sản chưa kê biên, chưa xác minh. Đây là những quy định để tòa án khẳng định thêm trách nhiệm của mình trong công tác thi hành án dân sự, góp phần làm rõ sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, loại bỏ sự "cắt khúc" hiện nay giữa công tác xét xử và công tác thi hành án dân sự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.