Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tính bền vững của ngân sách nhà nước

Hương Ly| 18/01/2011 07:49

(HNM)- Năm 2010, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Song nhiệm vụ ngân sách 2010 đã đạt kết quả khả quan.


Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 14,4% so với dự toán, tăng 19,4% so với năm 2009; riêng thu nội địa vượt 8,6%. Nguồn thu nội địa liên tục tăng cao qua các năm cho thấy chính sách phát triển KT-XH của Đảng và Nhà nước đã phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), đóng góp tích cực vào NSNN.

Thu nội địa chiếm 64% GDP


Nộp tiền vào ngân sách nhà nước thông qua ngân hàng.   Ảnh: Hải Ly


Năm 2010, nhiệm vụ tài chính - NSNN được triển khai trong bối cảnh kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như áp lực lạm phát, tỷ giá, nhập siêu... Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN với mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, bảo đảm an sinh xã hội...

Công tác quản lý, điều hành NSNN đã được tích cực triển khai, đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất..., tạo môi trường thuận lợi để DN đầu tư phát triển SXKD, tăng nguồn thu cho ngân sách. Theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN năm 2010 ước đạt 66.600 tỷ đồng, vượt 14,4% so với dự toán, tăng 19,4% so với năm 2009. Riêng thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng đất) ước đạt 23.300 tỷ đồng, vượt 8,6%. Tỷ trọng thu nội địa tăng dần qua các năm: năm 2008 là 55,8%, năm 2009 là 61%, ước thực hiện năm 2010 là 64% tổng thu, qua đó tăng tính ổn định và bền vững của NSNN.

Nhiều giải pháp

Kết quả thu ngân sách năm 2010 có được là nhờ có sự nỗ lực của toàn ngành tài chính, trong đó có sự góp sức quan trọng của Tổng cục Thuế. Năm qua, số thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 400.800 tỷ đồng, vượt 11% so dự toán pháp lệnh, tăng 21,4% so với năm 2009. Cơ cấu thu ngân sách đã liên tục thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách đã tăng từ 61% năm 2009 lên 62,5% năm 2010. Nguồn thu từ khu vực SXKD chiếm 72% trong tổng thu nội địa, tăng 28,7% so với cùng kỳ, nâng tỷ lệ huy động thu NSNN trên GDP đạt 27,3%. 15/15 khoản thu, sắc thuế ước đạt và vượt dự toán và 62/63 địa phương thu đạt và vượt so với dự toán pháp lệnh và tăng so với cùng kỳ...

Tính chung 5 năm (2006-2010), tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý ước đạt 1.551 nghìn tỷ đồng, bằng 116,5% so với dự toán, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện giai đoạn 2001-2005. Tốc độ tăng thu bình quân đạt 16,5%/năm. Kết quả này đã góp phần đưa tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 27,9% GDP, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đề ra (21-22% GDP). Cơ cấu nguồn thu thay đổi theo chiều hướng tích cực, tỷ trọng thu từ các yếu tố tài nguyên như đất đai, dầu thô ngày càng giảm, tỷ trọng thu từ nội lực nền kinh tế ngày càng tăng. Cụ thể, thu từ dầu thô trong tổng thu đã giảm từ 29,8% (năm 2006) xuống 13,4% năm 2010. Nguồn thu từ khu vực SXKD (trừ dầu) tăng từ 62,4% (giai đoạn 2001-2005) lên 67,1% (giai đoạn 2006-2010), tốc độ tăng trưởng bình quân 22,5%/năm. Kết quả này có được là do Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích, thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế, tạo tiền đề quan trọng cho việc huy động và nuôi dưỡng nguồn thu NSNN. Trong giai đoạn này, ngành thuế đã sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách về thuế, phí theo hướng công bằng, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm nghĩa vụ cho người nộp, tạo điều kiện cho DN, người dân tăng khả năng tích lũy, tái sản xuất mở rộng, góp phần tạo tăng trưởng nguồn thu và tính bền vững cho ngân sách.

Năm 2011, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán NSNN năm với tổng thu NSNN tăng 12,7% so với ước thực hiện năm 2010. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương phấn đấu tăng thu tối thiểu 5-7%, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN phát triển SXKD, đóng góp tích cực vào NSNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tính bền vững của ngân sách nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.