(HNM) - Bơi lội là nhu cầu thiết yếu với mỗi cá nhân, nhưng không ít người, nhất là các bậc phụ huynh có con nhỏ vẫn thường trực nỗi lo về chất lượng nước cũng như công tác quản lý bể bơi.
Chất lượng nước và công tác quản lý bể bơi là yếu tố quan trọng bảo đảm một mùa bơi an toàn. Ảnh: Bá Hoạt |
Tạo môi trường đạt chuẩn
Phải đến ngày 1-6, Trường Thể thao thiếu niên 10-10 (quận Ba Đình) mới chính thức khai giảng các khóa học bơi, nhưng ngay từ những ngày cuối tháng 4, mọi công việc chuẩn bị cho mùa bơi 2018 của nhà trường, như: Cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ… cơ bản đã hoàn thành.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Hiệu trưởng Trường Thể thao thiếu niên 10-10 Tạ Quang Hậu cho biết: “Cùng với việc được đầu tư mới một số hạng mục, năm nay, bể bơi của nhà trường đã được UBND quận Ba Đình cho phép nâng cấp thành bể bơi 4 mùa, có thể hoạt động quanh năm, thay vì chỉ 3 tháng như trước đây. Bể bơi được đầu tư hệ thống bơm nhiệt Heat Pump hiện đại, tiết kiệm điện, có hệ thống lọc nước tiên tiến…
Cũng như mọi năm, cứ vào đầu hè, nhà trường lại lấy mẫu nước để xét nghiệm chất lượng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Chúng tôi không dùng hóa chất với nước bể bơi, mà làm trong và diệt khuẩn bằng công nghệ điện phân muối, không gây kích ứng da. Hiện, Hiệp hội Thể thao dưới nước đang tập huấn về công tác cứu hộ tại bể bơi của trường vào các buổi chiều, trong đó có 5 học viên là cán bộ của trường tham gia”.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) Nguyễn Phúc Anh, trên địa bàn Hà Nội, số đơn vị quản lý tốt bể bơi và có nước đạt chuẩn chất lượng không ít, như các bể bơi của thương hiệu Bằng Linh (bể bơi Tăng Bạt Hổ), bể bơi trong các khách sạn, chung cư cao cấp…
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, ngoài trách nhiệm cấp phép cho các đơn vị đủ điều kiện đăng ký kinh doanh bể bơi, còn kiểm tra chứng nhận về chất lượng nước và các điều kiện như: Mỗi bể phải có tối thiểu 6 phao cứu sinh, 6 sào cứu hộ, có vạch, biển báo độ sâu. Sào cứu hộ phải được đặt trên thành bể ở các vị trí thuận lợi, dễ quan sát, sử dụng. Ghế cứu hộ được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi, dễ quan sát cho nhân viên cứu hộ, có chiều cao ít nhất 1,5m so với mặt bể. Cùng với đó là các điều kiện về y tế, phòng cháy, chữa cháy….
Quá trình kiểm tra, cấp phép từ đầu năm đến nay của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho thấy, các mẫu nước của bể bơi đều đạt chuẩn. Thanh tra Sở thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn kiểm tra, giám sát, vì mục tiêu tạo môi trường bơi an toàn cho tất cả mọi người.
Xác định rõ trách nhiệm
Hướng dẫn trẻ tập bơi tại quận Hà Đông. Ảnh: Thái Hiền |
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hàng trăm bể bơi và hầu hết đều do doanh nghiệp đầu tư theo chủ trương xã hội hóa. Dù đạt chuẩn để được cấp phép hoạt động, song trong quá trình vận hành, không phải lúc nào các bể bơi cũng duy trì được yêu cầu về an toàn, nhất là về mật độ tập luyện: Bảo đảm ít nhất 1 người/m2 ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 1m), hoặc 1 người/2m2 ở khu vực nước sâu (độ sâu từ 1m trở lên)...
Trong bối cảnh lực lượng thanh tra còn mỏng, không thể kiểm tra, giám sát thường xuyên, việc xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận quản lý sẽ góp phần giảm những mối lo về sức khỏe, an ninh, an toàn ở các bể bơi. Phó Trưởng phòng Quản lý thể thao Nguyễn Phúc Anh cho rằng, đơn vị kinh doanh bể bơi phải chịu trách nhiệm chính trong quản lý. Cùng với đó, chính quyền sở tại cũng cần chỉ đạo, phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên thanh, kiểm tra, nhắc nhở chủ các bể bơi.
Đồng tình với quan điểm này, Hiệu trưởng Trường Thể thao thiếu niên 10-10 Tạ Quang Hậu cho biết, nhà trường luôn ý thức rõ trách nhiệm về chất lượng dạy học, quản lý đội ngũ huấn luyện viên, sử dụng lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp… Bảo đảm an toàn trong mùa bơi rất quan trọng, bởi mỗi sai sót đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Chính vì vậy, công tác cứu hộ, cứu đuối phải được đặt lên hàng đầu; đồng thời, phải bảo đảm về mặt y tế, chất lượng nước và các điều kiện an toàn khác.
Còn bà Hoàng Thái Hoa, chuyên viên Vụ Thể dục - Thể thao quần chúng (Tổng cục Thể dục - Thể thao) nhấn mạnh đến việc nâng cao ý thức của phụ huynh và học sinh. Bà Hoàng Thái Hoa chia sẻ: “Chúng ta cần nhận thức rõ bơi lội là kỹ năng quan trọng hàng đầu với trẻ em. Với con trẻ, đôi khi chỉ chút lơ là cũng có thể khiến các em ngạt nước hoặc xảy ra sự cố đáng tiếc. Do vậy, thông qua việc biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về chương trình bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, chúng tôi luôn lưu ý phụ huynh và các em nhỏ cần được trang bị đủ kỹ năng. Mỗi người phải hiểu bơi an toàn, bao gồm việc học bơi và học kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, cũng như cân nhắc điều kiện sức khỏe trước khi học bơi, tìm hiểu thông tin để lựa chọn bể bơi có chất lượng nước được chứng nhận, kiểm định, có nhân viên hướng dẫn và nhân viên cứu hộ”.
Có thể nói, để có được mùa bơi an toàn, giải pháp quan trọng không chỉ là tăng cường quản lý, mà còn phải thường xuyên hướng dẫn, tập huấn, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức của cả đơn vị kinh doanh bể bơi và người tham gia bơi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.