Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng phí trông giữ phương tiện: Khó cho người nghèo!

Nga Ngân| 25/11/2011 06:39

(HNM) - Cục Thuế Hà Nội vừa có dự thảo điều chỉnh phí, lệ phí đăng ký và trông giữ phương tiện giao thông: Ô tô con dưới 10 chỗ không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sẽ tăng lên 10 triệu đồng/xe, thay cho mức 2 triệu đồng/xe như hiện nay; phí đăng ký xe máy cũng được đề xuất chia thành 3 mức, dao động từ 500.000 đồng đến 4 triệu đồng/xe.

Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội cũng đề xuất tăng mức phí trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp theo từng khu vực. Dự kiến dự thảo sẽ được trình HĐND thành phố Hà Nội vào tháng 12-2011, nhưng ngay từ thời điểm này, đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều xung quanh các nội dung trong dự thảo...

Anh Lê Duy Nghĩa (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai):
Dự thảo "bỏ ngỏ" taxi

Dự thảo của Cục Thuế Hà Nội đang đề nghị tăng lệ phí cấp mới giấy đăng ký ô tô, xe máy lên kịch trần theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng theo quan điểm của tôi, hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn Hà Nội bằng cách tăng lệ phí cấp mới giấy đăng ký ô tô, xe máy là biện pháp cần thiết, "đánh" trực diện vào túi tiền của chủ phương tiện, buộc họ phải cân nhắc trước khi mua. Tuy nhiên, với quy định chỉ tăng mức phí đăng ký gấp 5 lần đối với xe ô tô dưới 10 chỗ trở xuống, không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, như vậy các nhà quản lý đã đánh mạnh vào nhu cầu sở hữu ô tô riêng của người dân, trong khi lại "bỏ ngỏ" cho các hãng taxi. Đây là điều vô lý, bởi xe taxi cũng là phương tiện cá nhân. Nếu chỉ tăng mức phí với xe của tư nhân, còn xe của các hãng taxi vẫn được giữ nguyên mức phí, e rằng số lượng phương tiện của các hãng taxi sẽ tăng lên nhanh chóng và khi đó bài toán hạn chế phương tiện cá nhân coi như thất bại.

Chị Nguyễn Thị Song Thao (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng):
Liệu đã hợp lý?

Tôi rất ngạc nhiên khi mức phí trông giữ phương tiện được chia ra thành nhiều khu vực khác nhau. Khu vực 1, gồm 4 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng có mức phí trông giữ phương tiện cao nhất. Tiếp đó là khu vực vành đai, gồm các quận khác và huyện Từ Liêm. Cuối cùng là khu vực thị xã Sơn Tây và các huyện ngoại thành Hà Nội. Theo lý giải của ban soạn thảo, việc phân vùng và khu vực để tăng mức phí trông giữ khác nhau, nhằm hai mục đích: một là để mức thu "bảo đảm phù hợp với thực tế" và hai là góp phần hạn chế việc tăng phương tiện cá nhân. Thử hỏi, trong bối cảnh nền kinh tế trên đà suy thoái, đời sống người dân gặp khó khăn do thu nhập giảm, giá cả hàng hóa liên tục leo thang… thì việc tăng mức phí trông giữ phương tiện vào thời điểm này liệu đã hợp lý? Ban soạn thảo dựa vào đâu để khẳng định mức phí trông giữ mới là phù hợp thực tế?

Việc gửi xe tại các quận nội thành trước hết phụ thuộc vào chính nhu cầu thực tế của người dân trong khu vực. Không thể kỳ vọng việc tăng phí trông giữ phương tiện tại các quận nội thành sẽ khiến người dân bán bớt phương tiện hay mang phương tiện đến gửi những khu vực khác cách nhà cả chục cây số chỉ vì những nơi đó giá trông giữ rẻ hơn...

Cần “xóa” các điểm trông giữ xe sai phép. Ảnh minh họa: Internet

Anh Hà Duy Tuấn (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm):

Cần “xóa” các điểm trông giữ xe sai phép

Nếu mục tiêu dự thảo điều chỉnh phí, lệ phí của Cục Thuế Hà Nội nhằm góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, thì nên tăng đồng loạt phí đăng ký xe, không thể đề xuất theo kiểu xe có giá trị ít giữ nguyên mức phí, xe có giá trị cao phí tăng lên gấp đôi. Quy định không chặt chẽ, người dân sẽ đổ xô mua những loại xe có giá trị thấp, vừa tiết kiệm tiền, vừa giảm được mức phí đăng ký mới và như vậy số lượng phương tiện cá nhân vẫn tăng lên. Về quy định phân vùng mức phí trông giữ phương tiện, tôi cũng thấy có nhiều bất cập. Ai cũng biết ở các quận nội thành vốn đất chật, người đông, "tấc đất, tấc vàng", nhà ở còn chật chội, nói gì đến chỗ gửi xe? Song, muốn hạn chế phương tiện cá nhân, cơ quan quản lý phải thi hành nhiều biện pháp, như: hạn chế việc đăng ký mới phương tiện, tiến hành rà soát và xóa bỏ những điểm trông giữ xe không phép, sai phép... bảo đảm đường thông, hè thoáng và mức phí cần thống nhất, không nên phân vùng. Được biết, trong đợt kiểm tra các điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố vừa qua, lực lượng liên ngành phát hiện tới 400 điểm trông giữ xe không phép. Thiết nghĩ, đây mới chính là "thủ phạm" gây nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các quận nội thành. Còn việc tăng giá đánh đồng sẽ gây thiệt thòi tới một số đông nhân dân nghèo, trong khi bản thân nó không thể xóa được nạn ùn tắc giao thông.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng phí trông giữ phương tiện: Khó cho người nghèo!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.